Không chỉ các nhà hát hoành tráng với các show âm nhạc lớn, những không gian âm nhạc nhỏ gần gũi, ấm cúng luôn được công chúng Thủ đô yêu thích và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Số lượng cũng như sức sống bền bỉ của những không gian này góp phần tạo ra một không khí âm nhạc thú vị, âm thầm mà mạnh mẽ cho Hà Nội.
Thêm một không gian thú vị
Mở cửa ngay trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Music Garden nằm trong khuôn viên Nhà hát Lớn là địa chỉ mới phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng Thủ đô. Với vị trí đắc địa, không gian đẹp, giá vé dễ chịu, chỉ 99.000 đồng/người, tặng kèm một đồ uống, địa chỉ này thực sự gây bất ngờ khi mang đến những chương trình âm nhạc được tổ chức bởi chính Nhà hát Lớn.
Theo thông tin từ Nhà hát Lớn, concept nhạc tại đây được chia theo buổi. Buổi sáng 9h - 12h biểu diễn nhạc cụ dân tộc, buổi chiều 13h - 18h biểu diễn nhạc cổ điển, buổi tối 19h30 - 22h biểu diễn nhạc hiện đại, được trình diễn bởi các ban nhạc và các ca sĩ trẻ. Điểm đặc biệt của không gian âm nhạc này là nhạc cụ dân tộc được ưu tiên trình diễn nhằm phát huy và bảo tồn văn hóa, đồng thời giới thiệu đến khách du lịch quốc tế. Việc chuyển hướng của Nhà hát Lớn, từ cho thuê không gian làm quán cà phê sang tự khai thác không gian cà phê âm nhạc và sự đón nhận bước đầu nhiệt thành của công chúng Thủ đô cho thấy nó đã đáp ứng được đúng nhu cầu.
Từ lâu, người dân Hà Nội đã quen thuộc và dành nhiều tình cảm cho các không gian âm nhạc trong thành phố. Với giá cả thuộc nhiều phân khúc, không gian bài trí cũng như lựa chọn dòng nhạc theo phong cách riêng và sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng, nhiều không gian đã trở thành nơi “tri âm” của nhiều thế hệ thính giả. Có thể kể đến rất nhiều cái tên đã quen thuộc với công chúng từ nhiều năm nay như Phòng trà Trịnh Ca dành cho fan nhạc Trịnh, Trixie Cafe & Lounge, Sweet Home Lounge, Acoustic Cafe, Xóm cà phê, Phố ca... Mới hơn là Mây lang thang hay một số quán cà phê ca nhạc quy mô nhỏ khác...
Các buổi biểu diễn ở đây cũng rất đa dạng, từ những buổi biểu diễn mang tính chất câu lạc bộ đến những minishow của các nghệ sĩ nổi tiếng. Chẳng hạn lịch biểu diễn tại không gian Trixie Cafe & Lounge trong tháng 2 và 3 này có những cái tên rất nổi tiếng như Mỹ Linh, Quang Dũng, Uyên Linh, Đan Trường, Tuấn Hưng... cho thấy sức nóng của các không gian âm nhạc nhỏ hiện nay.
Chị Đào Tuyết Mai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, chị thường xuyên đi nghe nhạc, cả những buổi biểu diễn ở nhà hát lẫn các phòng trà. Điều thú vị là dù không hoành tráng như sân khấu lớn nhưng những buổi biểu diễn ở không gian nhỏ thường mang lại cho chị nhiều cảm xúc hơn bởi sự gần gũi, ấm áp thân tình giữa người nghe và nghệ sĩ.
Hướng đến thành phố âm nhạc
Nhìn một cách tổng thể, các không gian âm nhạc nhỏ không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của người dân, mà còn tạo thành một mạng lưới, là những điểm sáng lấp lánh trong bản đồ nghệ thuật, giúp đời sống âm nhạc ở Thủ đô luôn có dòng chảy âm thầm, bền bỉ.
Ca sĩ Phan Thanh Cường, người vừa có một minishow rất thành công tại phòng trà Trixie Cafe & Lounge, cho rằng: Việc có và phát triển các tụ điểm âm nhạc như phòng trà, hay nhà văn hóa, vườn âm nhạc... góp phần tạo sân chơi lành mạnh, thỏa mãn niềm đam mê yêu thích của những người yêu âm nhạc, cả đi nghe nhạc hay nhu cầu tiếp cận sâu hơn nữa là học nhạc. Các không gian âm nhạc đó như là những đốm lửa nhỏ trong bức tranh về cuộc sống, giúp cho các bạn trẻ yêu nhạc có cơ hội được tiếp cận, được thể hiện mình, được nuôi dưỡng tình yêu với âm nhạc, không gian đó cũng là điểm kết nối những người có chung đam mê, chung sở thích, hoặc cũng là điểm hẹn hò lãng mạn vào tối cuối tuần của những cặp đôi yêu nhau. Nó là một nhu cầu của cuộc sống, nên ở đâu tập trung dân cư là ở đó sẽ có không gian sinh hoạt âm nhạc hoặc biểu diễn nghệ thuật, chính vì vậy có thể khẳng định nó giữ một vai trò rất quan trọng!
Cuối tháng 10-2023, Đà Lạt được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Một trong những điểm mạnh giúp Đà Lạt ghi điểm là mạng lưới các không gian sáng tạo giúp xây dựng bản đồ nghệ thuật, là địa điểm cho các thực hành nghệ thuật âm nhạc cộng đồng. Điều này cũng mở ra bài học cho các thành phố khác, trong đó có Hà Nội trong việc khai thác tối đa tiềm năng lĩnh vực âm nhạc.
“Ở Hà Nội chúng ta hiện cũng đã có một số các điểm biểu diễn không gian nhỏ ngoài trời quanh Hà Nội theo mô hình như Đà Lạt, hay các không gian đa dạng phong cách. Mô hình này hiện vẫn được nhiều thế hệ người nghe nhạc yêu thích. Tôi nghĩ chúng ta có thể phát triển thêm các mô hình âm nhạc, vừa tạo sân chơi lành mạnh lại thu hút phát triển du lịch” - ca sĩ Phan Thanh Cường chia sẻ thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.