(HNMO) - Sáng 31-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Không thu hẹp đối tượng xử phạt hành chính trong sở hữu trí tuệ
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với nội dung liên quan đến sở hữu công nghiệp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì; đồng thời quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì.
Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam nhằm bảo đảm được khai thác để phục vụ lợi ích của đất nước trước tiên. Qua đó thực hiện các mục tiêu, chính sách của quốc gia, đồng thời bảo đảm quyền tiếp cận, sử dụng, hưởng lợi của người dân từ kết quả nghiên cứu này.
Đối với nội dung liên quan đến giống cây trồng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở luật hóa một số quy định hiện hành và ghi nhận nội dung đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn.
“Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội về việc không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Về việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý như sau: Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Đẩy mạnh bảo hộ với sản phẩm địa phương
Thảo luận về dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, các nhà khoa học, các đối tượng chịu tác động để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật lần này.
Liên quan đến đề xuất không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không những bảo đảm quyền của chủ sở hữu mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm trật tự quản lý hành chính.
Về quy định thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ, việc bổ sung quy định như dự thảo Luật là rất cần thiết, vừa bảo đảm giữ gìn tính tôn nghiêm, sự thiêng liêng của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam, vừa đáp ứng được nhu cầu phổ biến và hưởng thụ của nhân dân, yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhất trí với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hạn chế quyền bảo hộ giống cây trồng. Đại biểu cho rằng, quy định giới hạn nông dân giữ giống cây trồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do tình trạng thiếu đất canh tác, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thu nhập còn thấp, đời sống còn rất nhiều khó khăn.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn thành phố Hà Nội) đề nghị, cần làm rõ hơn trong luật các quy định và biện pháp bảo hộ các nguồn gen, quy trình sản xuất, nguồn vật liệu tạo ra từ kiến thức bản địa của người dân; làm rõ lợi nhuận được chia sẻ thế nào cho cộng đồng bản địa đó. Đồng thời cần đẩy mạnh bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù địa phương, hình thành nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu cao, tiềm năng xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.
Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 18 ý kiến phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, giải trình thấu đáo ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thành dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.