Ngày 9-3, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.
(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN) |
Được mùa về cải cách hành chính
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hiện thực hóa quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, Hội đồng đã tổ chức 5 hội nghị đối thoại với đại diện hàng nghìn doanh nghiệp trong nước, gần 1.000 doanh nghiệp Châu Âu, hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động, đầu tư tại Việt Nam để tiếp nhận 23 nhóm vấn đề với gần 100 phản ánh, kiến nghị.
Trong đó, Hiệp hội Dệt may kiến nghị 17 vấn đề, Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản trả lời của 7/9 bộ, cơ quan liên quan đến 15/17 kiến nghị, trong đó 10 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý.
Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị 21 vấn đề và nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, khởi nghiệp, đầu tư tài chính, du lịch và những khó khăn của các doanh nhân trẻ trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản trả lời của 7/10 bộ, cơ quan liên quan đến 20 kiến nghị, trong đó 15 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý.
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị 21 vấn đề, nhóm vấn đề liên quan đến vấn đề người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; dự thảo nghị định liên quan đến Luật Môi trường; vấn đề nhập khẩu máy móc cũ quy định tại Thông tư 23/2015/TT-BKHCN; quy định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP, Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản trả lời của 8/8 bộ, trong đó, 9 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý.
Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam kiến nghị 4 nhóm vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp kinh doanh thương mại, thuế và hải quan; y tế và sức khỏe; lựa chọn tiêu dùng; phát triển thông minh và bền vững.
Văn phòng Chính phủ nhận được 8/16 văn bản trả lời của các bộ, cơ quan liên quan, trong đó, 9 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý. Hiện nay, cơ quan thường trực của Hội đồng đang tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Song song với đó, việc tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được các thành viên Hội đồng thực hiện tích cực. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã tham gia góp ý, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN, quy định về an toàn thực phẩm cho sản phẩm sản xuất để tiêu dùng nội địa.
Chính phủ đã thay thế Nghị định số 38/2015/NĐ-CP bằng Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, theo đó, các thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm được cắt giảm mạnh; thay đổi quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh để đảm bảo an toàn thực phẩm, tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Việc điều chỉnh nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng chi phí thời gian tiết kiệm được do cắt giảm thủ tục hành chính lên tới hơn 7,7 triệu ngày công và hơn 3.100 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị đánh giá hoạt động của Hội đồng trong năm qua là rất tích cực, tạo chuyển biến tốt trong công tác cải cách hành chính. Nói như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, năm qua là năm “được mùa về cải cách hành chính.”
Ông Lộc cho rằng điều quan trọng trong thời gian tới là tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ lắng nghe, doanh nghiệp hiến kế, cả doanh nghiệp và Chính phủ đều phải hướng tới chuẩn mực toàn cầu.
Trong cải cách hành chính, doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp chính là tác giả của các cải cách, hiểu hơn ai hết các thủ tục về kinh doanh, do vậy, tăng cường đối thoại giữa Hiệp hội Doanh nghiệp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính là con đường tốt nhất để có sáng kiến cải cách.
Thông tin chỉ số về khởi sự kinh doanh - một chỉ số đặc biệt quan trọng với môi trường kinh doanh thì lại đang đứng “đội sổ” trong các chỉ số, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất một trong những trọng tâm của Hội đồng trong năm 2018 là hiến kế cho thủ tục này và việc khởi sự có hiệu quả, có như vậy mới có thể đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Hội đồng rà soát quy định về chỉ tiêu phốt–pho trong nước thải chế biến thủy sản.
Theo ông Nam, các nhà máy chế biến thủy sản đã phải nỗ lực rất nhiều, phải thực hiện các cam kết quốc tế trong vấn đề an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội và môi trường.
Việc thực hiện quy chuẩn theo QCVN 11-MT:2015/BTNMT có thêm chỉ tiêu phốt-pho khiến doanh nghiệp nỗ lực cỡ nào cũng khó lòng đạt được. “Doanh nghiệp như bị gài bẫy, chắc chắn kiểm là chết,” ông Nam nói và kiến nghị bỏ chỉ tiêu phốt -pho trong quy định nước thải về nước thải chế biến thủy sản.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề nghị Hội đồng cho ý kiến chi tiết các chuyên đề và các kết quả dự kiến trong 4 mảng: phát triển chính phủ số, kinh tế số; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy phát triển và tạo đột phá ngành du lịch; phát triển quỹ đầu tư trung, dài hạn cho Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính trực tiếp chủ trì một số chương trình, hội nghị bàn, nghiên cứu thí điểm các cơ chế mới nhằm thúc đẩy các ngành mũi nhọn quốc gia như thí điểm công nghệ mới vào truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng blockchain vào kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng tôm xuất khẩu…
Phản ứng chính sách kịp thời
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng rất quan tâm đến các vấn đề chuỗi logistic; tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chất lượng, năng suất lao động; hạ tầng; dòng chảy lao động; phát triển công nghiệp phụ trợ...
Nhấn mạnh đến Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với các chỉ tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; điều kiện đầu tư kinh doanh, đề nghị các thành viên Hội đồng ''xúm tay vào cải cách'', Bộ trưởng nhấn mạnh “không thể nói giảm số lượng nhưng biến tướng từ 3 thành 1. Nếu 3 điều kiện mà gom lại thành 1 coi như cắt giảm 2 là không được. Rồi biến tướng thành câu chữ, không lượng hóa được vấn đề, càng gây ra những rào cản bức xúc hơn.”
“Không có mã hồ sơ, không có quy chuẩn, không có tiêu chuẩn mà chỉ dùng hình tượng là “đảm bảo tốt,” “đảm bảo đẹp,” “đảm bảo sạch” là rất không ổn. Không được dùng những từ ngữ, câu chữ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tạo kẽ hở lợi dụng cho cán bộ thi hành công vụ,” Bộ trưởng nêu rõ.
Trước đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân về việc xem xét bỏ sổ đỏ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia, khi hoàn thành những công việc này, có thể không cần sổ đỏ, hộ khẩu.
Bộ trưởng cũng đề nghị thành viên Hội đồng, phát hiện, đưa ra những phản ứng chính sách kịp thời khi có những vấn đề liên quan đến chính sách vĩ mô, chính sách ở các lĩnh vực, nhất là khi có tác động của thị trường khu vực và quốc tế; quan tâm cắt giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, xây dựng các chỉ số lượng hóa cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.