Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không đơn thuần "cầm tay chỉ việc"

Sơn Tùng| 24/05/2017 07:18

(HNM) - Theo quy hoạch đến năm 2020, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 50%, so với con số hiện nay khi có tới 96,4% lao động chưa qua đào tạo. Dù áp lực hơn, nhưng rõ ràng không thể duy trì cách dạy nghề cho nông dân đơn thuần như trước đây là “cầm tay chỉ việc”, mà cần thay đổi tư duy, đáp ứng nhu cầu thị trường...


Vẫn "đánh trống ghi tên"

Sau hơn 5 năm triển khai Quyết định 673-QĐ/TTg ngày 10-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020", đã có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí được mặt bằng xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức dạy nghề thường xuyên được gần 20 nghìn lớp cho hơn 662 nghìn lượt người tham gia. Tại Hà Nội, các cấp Hội Nông dân của thành phố đã phối hợp triển khai đào tạo nghề được 232 lớp cho lao động nông thôn với gần 2.200 lượt người tham gia và hơn 10.000 lượt hội viên, nông dân được tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm...

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho nông dân bộc lộ những hạn chế cần sớm được giải quyết. Theo Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì (Hà Nội) Đỗ Quang Trung, phần lớn nông dân trong độ tuổi học nghề trên địa bàn huyện rời quê ra thành phố làm việc, nên tuyển sinh ở một số xã không đủ quy mô học viên để mở lớp dạy nghề. Còn ông Đinh Văn Tiến, Hợp tác xã Thủy sản xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chia sẻ, sau khi học nghề nuôi trồng thủy sản, một số người đã áp dụng thành công vào sản xuất, nhưng một bộ phận chỉ áp dụng được khoảng 30% kiến thức.

Lý giải về thực trạng trên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Ngọc Thắng cho rằng: Kinh phí dành cho công tác dạy nghề thấp, nhiều nghề mới, nông dân có nhu cầu nhưng lại không nằm trong danh mục để dạy nghề, dẫn tới nghề cần thì chưa được dạy, mà dạy những nghề khó tìm việc làm như may, sản xuất mây, tre, giang đan… Thêm vào đó, nhận thức về công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân của cấp ủy đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế, còn tình trạng “đánh trống ghi tên” dẫn tới điều tra, đánh giá, tư vấn hỗ trợ nông dân chọn nghề học chưa phù hợp...

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Ông Lê Ngọc Thắng đề xuất, thay vì chạy theo số lượng lớp dạy nghề cho nông dân thì cần quan tâm hơn về chất, kéo dài hơn thời gian học từ 3 lên 6 tháng để ngoài học kiến thức, nông dân được tiếp cận với cơ chế chính sách mới về phát triển nông nghiệp của trung ương và địa phương. Cùng với đó, cần thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh từ tự phát, truyền thống sang bài bản, lấy chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, môi trường; đồng thời có cơ chế chính sách cho doanh nghiệp tham gia hỗ trợ nông dân sau học nghề có việc làm hoặc bao tiêu sản phẩm cho nông dân...

Trao đổi về giải pháp thúc đẩy công tác dạy nghề cho nông dân của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) Phạm Văn Châm cho hay: Huyện Đông Anh đã lồng ghép nhiều nguồn lực, gắn đào tạo nghề với vay vốn ưu đãi lên tới 500 tỷ đồng, nhờ đó công tác đào tạo nghề ngày càng hiệu quả, thiết thực. Đồng quan điểm này, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho rằng: Đào tạo nghề cho nông dân cần gắn chuỗi tiêu thụ nông sản với phát triển dịch vụ, du lịch, từ đó khích lệ lao động trẻ ở nông thôn tham gia. Bằng cách làm như vậy, tỷ lệ lao động sau đào tạo ở một số xã miền núi của huyện Ba Vì có việc làm tăng lên trên 80%.

Đề cập hướng tháo gỡ những khó khăn trong công tác dạy nghề cho nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn nhấn mạnh, các cấp hội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn về đào tạo nghề cho nông dân, thu hút lao động trẻ tham gia học nghề. Ngoài đào tạo phổ cập, các địa phương như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nên có các lớp đào tạo nghề nông gắn với công nghệ cao. Đây là mô hình mới Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai, được nhiều nông dân đánh giá cao, các cấp hội cần sớm nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không đơn thuần "cầm tay chỉ việc"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.