Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để xảy ra khan hàng, sốt giá dịp Tết

Thanh Hiền| 03/01/2021 06:21

(HNM) - Dự báo nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của người dân sẽ tăng mạnh và tập trung vào tháng 12 âm lịch. Sở Công Thương Hà Nội cùng các doanh nghiệp, đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng nguồn hàng cung ứng phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan xung quanh vấn đề cung cấp hàng hóa và bình ổn giá trong dịp này.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào

- Đồng chí có thể cho biết, công tác chuẩn bị, dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường dịp Tết đã được Sở Công Thương Hà Nội triển khai như thế nào?

- Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đến nay đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá thông qua 12.443 điểm bán, trong đó có 142 siêu thị, 1.351 cửa hàng tiện lợi, 7.680 cửa hàng tạp hóa, 1.438 điểm bán tại các chợ, 495 bếp ăn tập thể...

Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình 7% đến 22% so với năm trước, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với năm 2020). Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó khi thị trường có biến động.

- Năm 2020 là một năm hết sức khó khăn đối với cả doanh nghiệp và người dân, song dự báo của Sở Công Thương Hà Nội vẫn cho thấy sức mua sẽ tăng. Vì sao, thưa đồng chí?

- Sức mua tăng là do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng. Đáng chú ý, nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao vào các ngày 30, 31-1-2021 (tức ngày 18, 19 tháng Chạp âm lịch) và vào các ngày 6, 7-2-2021 (tức ngày 25, 26 tháng Chạp âm lịch), các nhà sản xuất, kinh doanh cần lưu ý trong việc chuẩn bị nguồn hàng.

- Song vẫn có ý kiến lo ngại về tình trạng khan hàng, sốt giá?

- Giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn do các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, BRG, Co.opmart, Big C, Aeon Mall, Vinmart, Lotte, MM Mega Market… đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa thiết yếu bảo đảm phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cùng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Còn tại các chợ dân sinh, những ngày cận Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động tăng do nhu cầu thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, do có sự đối trọng từ các điểm bán hàng bình ổn, siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định, sẽ góp phần kiềm chế mức giá chung tại chợ dân sinh.

Đến thời điểm này có thể khẳng định nguồn hàng không thiếu, chắc chắn không xảy ra tình trạng “sốt hàng” hoặc giá cả tăng cao đột biến trong dịp Tết.

- Thịt lợn là một trong những mặt hàng thiết yếu dịp Tết. Nhiều người lo ngại, vào dịp cận Tết, nguồn cung mặt hàng này khan hiếm và sẽ đẩy giá tăng cao. Đồng chí có thể thông tin về mặt hàng này?

- Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Trong đó, mặt hàng thịt lợn tiếp tục đà hồi phục, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sản lượng thịt lợn hơi cả năm dự kiến đạt 3.459.300 tấn, tăng 3,9% so với năm 2019... Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt, cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung - cầu không bị thiếu hụt thực phẩm.

Thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường

- Trong năm qua, dù dịch Covid-19 bùng phát nhưng thị trường vẫn giữ được ổn định. Trong quá trình triển khai song song với phòng, chống dịch bệnh có những khó khăn gì, thưa đồng chí?

- Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhiều nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ xảy ra như: Nguồn cung nguyên vật liệu đứt gãy, tâm lý đổ xô tích trữ hàng hóa, giá cả mất ổn định, có mặt hàng tăng đột biến (lĩnh vực y tế, hàng tiêu dùng), thiếu khẩu trang trong thời gian đầu, phương thức cung ứng đủ nhu yếu phẩm cho nhân dân khu vực cách ly, phong tỏa như thế nào… đòi hỏi lãnh đạo sở phải bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố, trong thời gian ngắn nhất đưa ra được các kịch bản, giải pháp ổn định tình hình thị trường.

Trước khó khăn đó, Sở Công Thương đã kịp thời tham mưu với UBND thành phố ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình nhằm kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường…

Với sự vào cuộc quyết liệt, tình trạng thiếu hàng cục bộ chỉ diễn ra trong một buổi sáng 7-3-2020. Sau đó, Sở đã triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, kinh doanh, bình ổn giá, cung ứng đủ nhu yếu phẩm cho nhân dân trên địa bàn thành phố và các khu vực cách ly, phong tỏa với lượng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Hoạt động tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn diễn ra ổn định trong tầm kiểm soát… Nhờ đó, đến nay giúp thành phố hoàn thành "nhiệm vụ kép", vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế hiệu quả. Thực tế quá trình ứng phó với những khó khăn bởi dịch Covid-19 đã mang lại nhiều bài học về bình ổn thị trường để Sở Công Thương có thể áp dụng vào những dịp cao điểm về cung ứng hàng thiết yếu như trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

- Để bảo đảm thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành Công Thương Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa đồng chí?

- Sở Công Thương Hà Nội tập trung triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp phân phối và đơn vị sản xuất, cung ứng thực phẩm; nắm bắt nguồn cung ứng mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu khác bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm. Sở cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá phải bảo đảm hàng hóa chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá hợp lý. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, thủy - hải sản, hàng dệt may, da giày, thiết bị điện, đồ gia dụng, đặc sản, sản phẩm làng nghề…

Sở Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với Sở Y tế bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19 để cập nhật và tổ chức triển khai có hiệu quả phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn và ứng phó với dịch Covid-19. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu dẫn đến tăng giá đột biến, đặc biệt đối với các nhóm hàng thiết yếu.

- Dịp Tết năm nay, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

- Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương. Trong đó, tập trung tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ và đối với các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết. Đồng thời, Sở tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch Covid-19.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để xảy ra khan hàng, sốt giá dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.