Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để vấn đề “nóng” càng “nóng”

Hà Phong| 10/06/2015 05:59

(HNM) - Để giám sát không chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" thì cần phải nâng cao trách nhiệm, thu hẹp phạm vi các cơ quan được giám sát; bên cạnh đó, sau giám sát cần tái giám sát, xử lý nghiêm các đơn vị cố tình không thực hiện các kiến nghị, đề xuất. Đó là yêu cầu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chiều 9-6 khi thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).


Giám sát không chỉ để hỏi thông tin

Thảo luận về dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các đại biểu thể hiện quan điểm đồng tình cao trước việc ban soạn thảo đã có nhiều đề xuất tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Song các đại biểu cũng đánh giá, tính thực thi của dự án luật chưa cao, bố cục luật chưa thật hợp lý, có nhiều trùng lặp. Đối tượng, hình thức giám sát của Quốc hội, HĐND chưa rõ ràng; tính khả thi còn thấp.

Theo đại biểu Lê Văn Tân (Đoàn Hà Nam), trong thời gian qua, vấn đề giám sát của Quốc hội, HĐND về cơ bản đáp ứng yêu cầu của cử tri. Từ hoạt động này, các quy định mâu thuẫn, sai pháp luật được các cơ quan nhà nước sửa đổi rất nhanh và việc giám sát vấn đề đơn thư khiếu nại của nhân dân, được các cấp, các ngành khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Đặc biệt, khi Quốc hội yêu cầu giảm tình trạng tai nạn giao thông, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan đã có những giải pháp đồng bộ và nhờ đó đã giảm đáng kể số người thương vong. Tuy nhiên, không phải tất cả các đơn vị được giám sát đều thực hiện nghiêm kết luận giám sát. Đại biểu Lê Văn Tân dẫn chứng, qua giám sát tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề, đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ tình trạng khói bụi, hiện tượng các dòng sông bị bức tử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe người dân và yêu cầu các cấp, các ngành liên quan khắc phục ngay. Song đến nay, tình hình vẫn không tiến triển, thậm chí có nơi vấn đề ô nhiễm còn gay gắt hơn. Hay một ví dụ khác, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang rất đáng báo động. Các cơ quan, ban, ngành kiểm tra, giám sát rất gắt gao. Dù vậy, nguy cơ, hiện tượng sử dụng thực phẩm "bẩn", thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các quy định về vệ sinh trong chế biến, bảo quản, vận chuyển và kinh doanh thức ăn vẫn xảy ra. Tất cả suy cho cùng là do việc quy trách nhiệm cuối cùng của hoạt động giám sát chưa được rõ, chưa có quy định trách nhiệm người đứng đầu, chưa có chế tài cho chủ thể không thực hiện kiến nghị giám sát. Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Lê Văn Tân đề nghị, trong quá trình giám sát ở một lĩnh vực chuyên ngành, cần quy định đoàn giám sát có quyền được mời các chuyên gia về lĩnh vực đó và mời các cơ quan báo chí cùng tham gia. Sau giám sát phải thông tin đầy đủ kết quả giám sát, nêu đích danh đối tượng chịu trách nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng tình với một phần quan điểm của đại biểu Lê Văn Tân, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Đoàn Phú Thọ) nêu vấn đề, thời gian qua có ý kiến phản ánh, giám sát còn "cưỡi ngựa xem hoa", chỉ hỏi thông tin và đề nghị tổ đại biểu HĐND không nên thực hiện giám sát vì chưa đủ năng lực, gây tốn kém kinh phí triển khai. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Bình Phước) đặt câu hỏi: Tại sao dự thảo quy định ĐBQH chỉ được giám sát văn bản pháp luật và thực thi pháp luật ở địa phương. "Đương nhiên đại biểu ứng cử ở địa phương thì chủ yếu giám sát ở địa phương. Nhưng ngoài trách nhiệm với địa phương, ĐBQH là đại biểu của toàn quốc, vẫn phải có quyền giám sát các bộ, ngành. Nếu chỉ giám sát ở địa phương thì làm sao hiểu hết tình hình đất nước và chất vấn các vị lãnh đạo trung ương về những vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm. Đó là còn chưa kể giám sát, kiểm soát chéo giữa các tỉnh, thành phố sẽ càng độc lập, khách quan, là vô cùng cần thiết" - đại biểu Bùi Mạnh Hùng nói.

Sau giám sát là tái giám sát

Không chỉ đề nghị nêu đích danh đối tượng chịu trách nhiệm giám sát, nâng cao chất lượng giám sát, phát biểu tại phiên thảo luận, các ĐBQH còn đề nghị sau giám sát phải tái giám sát, công khai kế hoạch giám sát trước nhiều ngày để người dân được biết, phản ánh những vấn đề quan tâm. Thế nhưng, điều đáng nói là, dự án luật mới nhất chưa có đột phá về cơ chế triển khai so với luật hiện hành.

Đại biểu Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình) cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vừa là một hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, đồng thời cũng là một thẩm quyền quan trọng của hai cơ quan này trong việc quyết định nhân sự. Do đó, cần quy định lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người có chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn vào trong luật để bảo đảm giám sát của Quốc hội và HĐND đạt hiệu quả cao. Phát biểu mạnh mẽ hơn, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không những là một hoạt động giám sát, mà còn là kênh quan trọng giúp cho Đảng trong việc quyết định nhân sự. Đại biểu đề nghị lấy phiếu tín nhiệm cả với các thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND vì đây cũng là đối tượng được giám sát, có trách nhiệm triển khai các hoạt động công tác của HĐND, phải có lá phiếu của nhân dân về chất lượng cán bộ.

Đại biểu Trương Thị Ánh (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng nêu quan điểm hậu quả pháp lý của giám sát cần phải quy định cụ thể hơn. Bà Trương Thị Ánh nhấn mạnh, đoàn giám sát cần tái giám sát, đeo bám đến cùng các vấn đề đã kiến nghị và đề xuất xử lý cụ thể đối với những đơn vị thiếu trách nhiệm, không nêu chung chung và đoàn giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về kết quả làm việc của mình. 

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Đoàn Phú Yên): Đừng để kết luận giám sát cứ trôi đi
Khâu yếu nhất của giám sát hiện nay là hậu giám sát. Tôi đề nghị không thể để kết quả giám sát cứ trôi đi từ việc: Quy định rõ bao nhiêu ngày nhận được kết luận giám sát thì đối tượng bị giám sát phải thực hiện, nếu không phải bị xử lý. Như thế mới tăng cường được hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để vấn đề “nóng” càng “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.