Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”

Khánh Khoa| 16/08/2012 06:27

(HNM) - Từ tháng 4-2012, sau khi Báo Hànộimới đăng loạt bài làm rõ những khuất tất trong việc xử lý sai phạm về quản lý TTXD tại số nhà 55A, 55B phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) và tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), vấn đề tái bùng phát nạn xây dựng trái phép, sai phép đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.

Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã vào cuộc và có những chỉ đạo sát sao nhằm sớm lập lại trật tự kỷ cương quản lý TTXD. Tuy nhiên, sau hai tháng thực hiện chỉ đạo, tiến độ xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) tồn đọng vẫn ì ạch. Trong khi, công trình vi phạm mới có chiều hướng tái phát và ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 86 Mai Hắc Đế (che bạt) liệu có được giải quyết dứt điểm trong quý III-2012? Ảnh: Như Ý

Trong tổng số 788 trường hợp tồn đọng tính đến tháng 6-2012, các quận, huyện mới xử lý 133 trường hợp, trong đó cưỡng chế 25 trường hợp, tự phá dỡ 88 trường hợp…; còn lại 655 trường hợp vi phạm vẫn trong quá trình "giải quyết". Riêng công trình sai phép nghiêm trọng số 55A, 55B Bà Triệu, Chánh Thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm Nguyễn Đình Tĩnh cho biết, chủ đầu tư đã phá dỡ đến độ cao 34,5m trên chiều cao 34,1m theo giấy phép xây dựng được cấp. Chính quyền quận, phường đã có quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc phá dỡ phần còn lại. Với 6 công trình vi phạm TTXD trên các phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Đại Cồ Việt, Mai Hắc Đế, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho biết, đã có 5/6 công trình chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ. Một công trình chưa có đơn xin tự phá dỡ vì chủ đầu tư đã ký hợp đồng cho thuê nhà từ ngày 1-10-2011. Công trình 19 Triệu Việt Vương mới tháo xong phần tường, vách kính, lan can tầng tum, đang tháo dỡ các hạng mục vi phạm còn lại. Công trình 22 Triệu Việt Vương đến nay mới tháo xong các thiết bị lắp đặt trên tầng tum, đang dỡ tầng tum và một số hạng mục khác. Tương tự, công trình 135-137 Bùi Thị Xuân (tháo dỡ từ ngày 8-7) và 67 Mai Hắc Đế (từ ngày 2-7) đến nay vẫn đang tháo dỡ tầng tum. Công trình 86 Mai Hắc Đế, tháo dỡ từ ngày 26-6 đến nay mới xong phần tường tầng 7 (phần vi phạm khoảng lùi), hiện đang dỡ phần còn lại.

Ngoài các công trình vi phạm TTXD tồn đọng, trong tháng 7, Thanh tra xây dựng đã kiểm tra, lập biên bản 271 trường hợp vi phạm khác, trong đó xây dựng không phép 175 trường hợp, xây dựng sai phép 39 trường hợp, xây dựng trái phép 57 trường hợp. Điều này cho thấy, xây dựng không phép, sai phép, vi phạm mật độ, chiều cao… ở khu vực nội thành vẫn có xu hướng tái phát, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trong khi, ở khu vực ngoại thành, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng diễn ra phức tạp.

Tại cuộc họp giao ban về tiến độ xử lý vi phạm TTXD giữa Sở Xây dựng Hà Nội với các quận, huyện mới đây, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho biết, mặc dù chủ đầu tư có đơn xin tự phá dỡ, nhưng chính quyền không hy vọng chủ đầu tư sẽ phá dỡ nhanh, một phần họ lấy lý do phải có phương án bảo đảm an toàn cho người và công trình, một phần họ vừa phá dỡ vừa nghe ngóng. Vì vậy, quận đã chuẩn bị phương án cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm nếu chủ đầu tư chây ì.

Tòa nhà 67 Mai Hắc Đế. Ảnh: Như Ý

Về việc xử lý công trình vi phạm, ông Nguyễn Đình Tĩnh, Chánh Thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết: là quận trung tâm, đất chật, người đông, giá trị nhà đất lớn nên tình trạng vi phạm TTXD khá phổ biến. Khi đã cố tình vi phạm, đương nhiên chủ đầu tư có nhiều cách đối phó như bảo vệ đóng cửa không cho vào, hoặc lấy lý do này kia để ngăn cản tổ công tác kiểm tra. Thậm chí, chủ đầu tư tìm mọi quan hệ để gây sức ép lên lực lượng Thanh tra. Tuy nhiên, ông Tĩnh cũng thừa nhận, lực lượng Thanh tra xây dựng còn yếu về nghiệp vụ, bản lĩnh, ngại va chạm...

Lực lượng quản lý TTXD yếu về năng lực cũng là đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội. Trong báo cáo mới nhất, Sở Xây dựng cho biết, mặc dù đã kiện toàn về tổ chức nhưng lực lượng Thanh tra xây dựng vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ các hoạt động xây dựng trên địa bàn. Hơn thế, trình độ chuyên môn của nhiều Thanh tra viên rất hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên không phát hiện kịp thời sai phạm hoặc khi phát hiện sai phạm thì không thực hiện đúng quy trình kiểm tra, thiếu kiên quyết trong xử lý. Đây không phải là vấn đề mới, thậm chí đã được các cơ quan quản lý đề cập nhiều lần, song ở thời điểm này việc quản lý, giám sát, xử lý vi phạm TTXD vẫn phải "trông chờ" vào cấp phường, xã.

Cùng với bất cập về lực lượng, việc quản lý TTXD còn gặp phải những bất cập trong chính sách và những vướng mắc từ thực tế, khiến người trong cuộc lúng túng. Đơn cử như nơi vướng quy hoạch treo, chỉ được cấp phép xây dựng tạm quy mô nhỏ không đáp ứng nhu cầu ở của người dân. Hay khu tập thể cũ chưa bàn giao cơ quan quản lý, chưa bán theo NĐ 61/CP nên không đủ điều kiện cấp phép, trong khi đó nhà ở đã xuống cấp, nhu cầu cải tạo, xây dựng lại là cần thiết. Từ những bất cập trong quản lý nên dễ dẫn đến việc xây dựng sai phép (cấp phép tạm 3 tầng nhưng xây 4-5 tầng) hoặc tình trạng xây dựng tự phát, không phép để giải quyết những đòi hỏi bức bách của cuộc sống.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Đức Học cho biết, lãnh đạo TP đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát lại toàn bộ quy hoạch đã được phê duyệt, đồ án nào không còn phù hợp thì loại bỏ để giảm quy hoạch "treo". Từ đó, tính toán việc cấp phép xây dựng tạm, vừa để hạn chế công trình xây dựng không phép, vừa đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân. Kể cả công trình do Sở cấp phép, phường, xã phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Song, Thanh tra sở sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, sẽ có ý kiến ngay với chính quyền địa phương để xử lý sớm. Quan điểm chỉ đạo, xử lý của thành phố là cương quyết, triệt để, không né tránh, vì vậy bất luận lý do gì, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn phải tập trung giải quyết dứt điểm các công trình vi phạm TTXD tồn đọng ngay trong quý III-2012.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.