Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để thương lái “làm giá” nông sản

Theo Tin tức| 26/11/2016 09:14

Thị trường nông sản trong nước lâu nay luôn bị thương lái thao túng, làm giá; trong đó, không ít là thương nhân nước ngoài. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và nhà nông.


Lúc mua giá cao, lúc hạ giá thấp

Thời gian dài vừa qua, rất nhiều loại nông sản của Việt Nam như khoai lang tím, cau non, thanh long... đã "sống dở chết dở" vì những chiêu trò của thương lái nước ngoài. Hiện họ đã thiết lập được mạng lưới với thương lái Việt Nam đến tận đồng ruộng để thu mua sản phẩm xuất khẩu mà không phải chịu thuế.

Theo các chuyên gia kinh tế, "chiêu trò" của các thương lái nước ngoài là tìm mọi cách nâng giá thu mua lên cao làm cho nhiều hộ nuôi mất cảnh giác, vì lợi nhuận trước mắt lớn nên nhiều hộ nuôi khó tránh được bẫy. Trong những lần thu hoạch sau, cùng một sản phẩm, kích cỡ... nhưng thương lái lật kèo không mua hoặc mua với giá thấp.

Nếu như cách đây vài tháng, thương lái nước ngoài “thu gom” cá tra quá khổ thì hiện con cá tra non đang được lùng mua với giá cao ngất ngưởng, từ 21.500 - 23.000 đồng/kg, cao hơn giá cá tra đạt chuẩn từ 500 - 1.000 đồng/kg. Riêng con tôm, thương lái nước ngoài cũng đến tận ao của nông dân thu mua với giá cao hơn từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với giá thị trường.

Ngành thủy sản đang "rối bời" vì sự thao túng giá cả của các thương lái nước ngoài.


Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, con cá sấu cũng “khốn khổ” vì thương lái nước ngoài giảm mua hoặc mua với giá thấp thảm hại. Từ mức giá cao ngất ngưởng hơn 230.000 đồng/kg, hiện giá cá sấu chỉ còn khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg mà vẫn không giải phóng được lượng cá sấu tồn trong trang trại. Các cơ sở nuôi, DN cá sấu cho biết đây là giai đoạn khó khăn nhất của ngành này và nguyên nhân không phải do mất cân đối cung cầu mà chủ yếu do bất ổn trong các khâu trong thu mua, nhất là đầu ra cho sản phẩm.

"Thương nhân nước ngoài mua cá sấu sống và các sản phẩm từ da cá sấu của Việt Nam ngày càng nhiều. Hầu hết họ không qua trung gian mà đến từng hộ nông dân hoặc DN nhỏ để thu mua trực tiếp. Chính điều này đã giúp họ chủ động kiểm soát, khống chế giá cả và gây khó khăn cho các DN thu mua trong nước. Điều nguy hiểm nhất vốn là nỗi lo sợ của chúng tôi đã diễn ra khi chính thương lái, DN trong nước không làm chủ được thị trường mà phải lệ thuộc, thảo luận trước với thương lái nước ngoài và để họ quyết định”, ông Tôn Thất Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cá sấu Hoa Cà, cho biết.

Cần xử lý nghiêm


Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam, cho biết nhiều văn bản luật về thuế còn lỗ hổng lớn trong quản lý thu thuế đối với thương nhân thu mua trực tiếp nông thủy sản là người nước ngoài. Việc thiếu quy định thu thuế với những thương lái này không những khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn gây nhiều khó khăn, lũng đoạn thị trường nguyên liệu nông thủy sản đối với DN trong nước làm ăn chân chính. Do những bất cập về thuế đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước. Do vậy, có quy định thu thuế sẽ hạn chế tiêu cực của tình trạng này.

Trong khi đó, theo các DN, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu mua nông sản ở các địa phương và có biện pháp để xử lý nếu phát hiện sai phạm. Ngoài ra, các DN trong nước khi hợp tác kinh doanh với thương lái nước ngoài phải tuân thủ theo đúng chính sách pháp luật của Việt Nam; không tạo điều kiện cho họ núp bóng thu mua, đóng gói, vận chuyển, xuất khẩu nông sản kiểu bát nháo.

"Nhà nước phải có những quy định xử phạt nặng những cá nhân, tổ chức trong nước tiếp tay làm môi giới cho thương lái nước ngoài, cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, vận động toàn xã hội cảnh giác với những thủ đoạn, chiêu trò của thương lái nước ngoài. Đặc biệt, chính quyền cơ sở phải làm tốt vai trò định hướng cung cấp thông tin, cảnh báo cho người dân, căn cứ vào những quy định của pháp luật để xử lý quyết liệt, kịp thời ngăn chặn ngay từ gốc nếu phát hiện vi phạm", ông Hòe nói thêm. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để thương lái “làm giá” nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.