(HNM) - Hôm qua 1-3, khung giá điện mới với mức tăng bình quân 6,8% bắt đầu được thực hiện. Việc tăng giá một mặt hàng thiết yếu như điện quả thực không dễ được người tiêu dùng vui vẻ chấp thuận.
Nhưng vì giá các yếu tố đầu vào để sản xuất điện như than, dầu, khí, nhân công... đều tăng, Nhà nước khó có thể "gánh" mãi khoản bù lỗ khổng lồ hằng năm, nên việc tăng giá điện được coi là bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu chỉ riêng điện tăng giá thì người dân có lẽ cũng không đến nỗi quá khó khăn. Ngặt một nỗi, lâu nay vẫn có một thực tế xấu, nhiều doanh nghiệp vin cớ điện, xăng tăng giá để đẩy giá sản phẩm lên một cách quá đáng.
Trên thị trường nước ta hiện nay, phân loại theo giá cả có hai dạng hàng hóa. Một là loại có giá cả được quy định, muốn tăng, giảm phải xin phép (xăng, dầu, điện, than, thuốc...). Loại thứ hai là phần còn lại như mớ rau, con cá, bát mỳ, tô phở, nước mắm, xe máy, ô tô... Ở thị trường bán lẻ hàng đầu thế giới như Việt Nam, giá cả là thứ thất thường và kỳ lạ nhất. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người dân là giá hàng hóa "ăn theo" các sự kiện liên quan đến giá, lương, tiền. Đã nhiều lần, mới chỉ có thông tin sẽ điều chỉnh lương cơ bản, đồng lương chưa tới tay người lao động, giá thị trường đã đua nhau tăng tới tấp. Nhà sản xuất và nhà phân phối, kể cả những người buôn thúng bán mẹt cứ thấy có cơ hội là tăng giá thu lời mà không cần quan tâm, cái cớ đó có chính đáng hay không. Dân gian gọi đó là kiểu "tát nước theo mưa", "đục nước béo cò". Vì thế, lần này giá điện tăng, người dân lại được một phen lo lắng.
Nhân sự kiện giá điện mới được áp dụng, lãnh đạo Bộ Công thương đã có một số phát biểu trấn an người tiêu dùng. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường của bộ này khẳng định sẽ kiểm soát chặt các đơn vị bán hàng, buộc họ phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Nếu vi phạm, bán với giá quá cao có thể bị tước giấy phép kinh doanh. Ông cam kết sẽ kiên quyết ngăn chặn tình trạng "tát nước theo mưa", tăng giá phi lý. Đây là lời cam kết có sức nặng, bước đầu khiến người dân có phần yên tâm. Nhưng lâu nay, trên "mặt trận" bình ổn giá vốn cực kỳ phức tạp, hành động thực tế, những giải pháp cụ thể mới thực sự có ý nghĩa. Về mặt lý thuyết, biện pháp "tước giấy phép kinh doanh" có sức mạnh răn đe, nhưng tác dụng của nó trên thực tế lại thường rất yếu ớt. Trước nay, đã có mấy cửa hàng bị tước giấy phép vì tăng giá phi lý. Đó là chưa kể, phần lớn thị trường gồm những người bán hàng không có giấy phép kinh doanh thì "tước" thế nào, lấy cái gì ra để "tước"? Thế nên, mối lo giá hàng hóa "tát" theo giá điện vẫn còn đó như một bài toán chưa lời giải.
Phải thấy rằng, để ngăn chặn tình trạng giá hàng hóa "tát nước theo mưa", không chỉ một mình cục nọ, bộ kia làm nổi. Sở dĩ những giải pháp đưa ra thực thi chưa đem lại hiệu quả cao, vì chúng thường được làm theo kiểu thời vụ, đơn lẻ, cục bộ... Chúng ta cần một giải pháp tổng thể, bài bản và toàn diện từ xây dựng luật pháp, củng cố bộ máy, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cải tiến phương pháp quản lý thị trường đến xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa tiêu dùng. Đó mới là điều người tiêu dùng thực sự cần. Nếu có được điều này, lần này, năm nay, giá hàng hóa có thể "tát nước" theo giá điện, nhưng lần khác, năm tới sẽ không còn tình trạng đó hoặc ít ra hiệu quả ngăn chặn cũng rõ nét.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.