(HNM) - Những ngày này, thời tiết Hà Nội nắng nóng gay gắt kèm theo mưa dông - đây chính là điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại các bệnh viện cũng đã tiếp nhận rải rác bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Nhằm ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết bùng phát, ngành Y tế Thủ đô đang cấp bách triển khai công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch...
Không nên chủ quan
Thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận một vài trường hợp nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Vi rút - Ký sinh trùng của bệnh viện cho biết, vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 týp: D1, D2, D3 và D4. Sau khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ có miễn dịch trọn đời với týp vi rút đã mắc, nhưng không có miễn dịch chéo với các týp vi rút còn lại. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị tái nhiễm với các týp vi rút khác. Mỗi người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời, tương ứng với 4 týp của vi rút Dengue. Điều đáng nói, lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước đó.
Vừa qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận một người đàn ông 40 tuổi (ở quận Hà Đông) đến khám trong tình trạng sốt cao liên tục trong 4 ngày, kèm theo đau cơ, đau khớp, da xung huyết. Dù dấu hiệu sốt xuất huyết rất rõ, nhưng khi được bác sĩ Nguyễn Kim Thư đề nghị xét nghiệm bệnh, người này từ chối với lý do, từng mắc bệnh này và điều trị vào năm ngoái. Bác sĩ phải giải thích rất nhiều, bệnh nhân mới đồng ý thực hiện xét nghiệm và kết quả cho thấy, người đàn ông này không chỉ dương tính với sốt xuất huyết, mà còn rơi vào tình trạng biến chứng cô đặc máu, giảm tiểu cầu…
Tương tự, Bệnh viện Nhi trung ương cũng đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trẻ em từ 1 đến 15 tuổi đều có thể bị sốt xuất huyết, thường gặp nhiều nhất là lứa tuổi từ 5 đến 9 tuổi. Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt đột ngột, liên tục và sốt cao, kèm theo đau nhức khá rõ, như: Đau cơ, đau hốc mắt và biếng ăn. Bên cạnh đó là biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng và rõ hơn là chảy máu răng… “Tuy sốt xuất huyết không phải là bệnh mới mà đã xuất hiện từ lâu, nhưng không phải ai cũng phân biệt được sốt xuất huyết với sốt thông thường, vì thế không nên chủ quan, gây nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm lưu ý.
Theo bác sĩ Phạm Văn Hưng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trong tháng 5-2020, tại đây cũng ghi nhận rải rác các trường hợp nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Bệnh này dễ để lại những biến chứng, như sốc sốt xuất huyết, suy tạng, suy gan, suy thận, suy tim, rối loạn tri giác… Đối với trẻ sơ sinh, người già mắc bệnh mạn tính và phụ nữ mang thai không may mắc bệnh, những biến chứng này còn diễn ra nhanh chóng và để lại hậu quả nặng nề hơn.
Còn Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng vừa tiếp nhận 2 trường hợp sốt xuất huyết. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp cho biết, so với mọi năm, năm nay, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết giảm mạnh. Song, người dân cũng không nên chủ quan, lơ là. Bởi, mùa hè năm nay dự báo nắng nóng gay gắt, nhiệt độ trung bình cao, nếu kết hợp với mưa nhiều sẽ tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Xử lý các ổ dịch kịp thời, triệt để
Theo Bộ Y tế, trong năm 2019, nước ta ghi nhận hơn 320 nghìn ca sốt xuất huyết, cao nhất trong 32 năm trở lại đây, trong đó có 53 trường hợp tử vong. 5 tháng đầu năm 2020, cả nước đã ghi nhận khoảng 27 nghìn ca mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 ca tử vong ở các tỉnh: Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến hết tháng 5-2020, toàn thành phố ghi nhận 155 ca mắc tại 105 xã, phường của 24 quận, huyện, chưa có trường hợp tử vong và số mắc giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các yếu tố nguy cơ để dịch bùng phát vẫn hiện hữu. Nhiều người suy nghĩ, chỉ những nơi như cống rãnh, ao tù mất vệ sinh mới là địa điểm cư trú, sinh sôi của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Thế nhưng, muỗi vằn có thể cư trú cả ở nơi nước trong để lâu ngày, như: Bể cá cảnh, bình cắm hoa, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh chai, lọ, bát, đĩa vỡ...
Vì vậy, các địa phương cần phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó tăng cường tổng vệ sinh môi trường, giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng, tập trung khoanh vùng xử lý các ổ dịch kịp thời, triệt để. Mặt khác, kiện toàn lại các đội xung kích diệt lăng quăng để “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước”.
Theo quy luật, hằng năm dịch sốt xuất huyết thường xuất hiện vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 và bùng phát mạnh cuối tháng 8, đầu tháng 9. “Cùng với ngành Y tế, cuộc chiến chống sốt xuất huyết thành công hay không phụ thuộc vào sự chung tay, góp sức của người dân. Mỗi người cần nâng cao ý thức và có trách nhiệm vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, lật úp dụng cụ chứa nước... Phương châm “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” được coi là giải pháp mang tính quyết định để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát”, ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.