Không để nợ văn bản, đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ khóa mới”, đây là yêu cầu được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đặt ra vào sáng 3-12, tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan có nhiều văn bản, chương trình công tác nợ đọng.
Nguy cơ nợ đọng văn bản cao
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đến nguy cơ nợ đọng văn bản cao, khi có đến 30 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, nghĩa là phải ban hành trước ngày 15-11-2020 nhưng đến nay chưa được ban hành (đã trình 7 văn bản, chưa trình 23 văn bản), thuộc trách nhiệm của các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường.
Về chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến cuối năm, các bộ, cơ quan phải hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 167 văn bản (7 văn bản chi tiết nợ đọng, 23 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, 38 đề án nợ đọng, 99 đề án chương trình công tác tháng 12). Trong đó, các bộ, cơ quan tham dự buổi làm việc hôm nay phải trình 131 văn bản, chiếm 78%.
Theo ông Lê Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Văn phòng Chính phủ), các bộ có số văn bản phải trình nhiều là Bộ Công an: 14 văn bản (trong đó có 3 nghị định quy định chi tiết và 6 đề án nợ đọng); Bộ Tài chính: 15 văn bản (gồm 3 văn bản nợ đọng); Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: 14 (nợ đọng 5 đề án), Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 30 (nợ đọng 1 đề án)…
Nêu các con số nợ văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hai khóa gần đây, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nhiệm kỳ này, Chính phủ ưu tiên quan tâm đôn đốc hoàn thiện thể chế, không để nhiệm vụ nào không được thực hiện, nợ đọng. Từ chỗ trước khi Tổ công tác thành lập, số nhiệm vụ nợ đọng chiếm đến 25%, thì đến thời điểm này, nợ đọng chỉ còn 1,8%. Nếu các bộ, cơ quan không cố gắng, để số văn bản quy định chi tiết, đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nợ cao là không ổn, ảnh hưởng đến thành tích chung của Chính phủ.
Nhiều đề án khó thực hiện vì thiếu nguồn lực, kinh phí
Lý giải về các nhiệm vụ còn nợ đọng của Bộ Công an, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết, trong 3 nghị định quy định chi tiết, có 2 nghị định mang yếu tố nhạy cảm, Bộ đã trình và chờ ý kiến từ Chính phủ. Còn nghị định về công an xã, thị trấn chính quy, sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Công an sẽ báo cáo, trình Thủ tướng ký.
“Hiện 100% công an xã chính quy nhưng vẫn đang vướng về quy định chế độ chính sách cho lực lượng này, cả về chức năng, nhiệm vụ, trong đó có chức năng điều tra. Công an xã trước đây là bán chuyên trách, hiện nay là công an chính quy, cần sớm điều chỉnh theo hướng công an chính quy phải có chức năng điều tra”, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cũng mong sớm có nghị định để thực hiện.
Đối với 6 đề án nợ đọng phải hoàn thành trong tháng 11-2020, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cho hay, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã phê trực tiếp từng đề án, yêu cầu ngày hoàn thành, tuy nhiên, ngoài nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng phải chờ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, còn 5 dự án, đề án Bộ đang khẩn trương hoàn thành. Mặc dù yêu cầu Bộ trưởng đưa ra là phải hoành thành trước ngày 20-11, nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Nêu lý do Bộ Nội vụ chậm có ý kiến trả lời Bộ Công an, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn cho biết, hiện hầu hết các địa phương đang vướng ở chỗ nếu đưa công an chính quy về xã sẽ dôi dư người đang đảm nhiệm chức danh trưởng công an xã là công chức xã. “Các địa phương đang rất vướng trong bố trí những người dôi dư này, vì số lượng không phải ít, cả nước gần 11.000 công chức đảm nhiệm chức vụ trưởng công an xã”, ông Tuấn cũng cho biết Bộ Nội vụ đang phải tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan và đặc biệt là lấy ý kiến của địa phương. Nếu cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ về nội dung này.
“Khung số lượng công chức cấp xã đã chốt, chuyển sang công chức khác không được, xã khác cũng cơ bản đã đủ, định biên giờ đang theo xu hướng tinh gọn bộ máy và biên chế”, ông Phan Trung Tuấn nêu khó khăn.
Đặt vấn đề “đưa công an chính quy về xã là chủ trương lớn, đã đưa lực lượng xuống mà để lâu như vậy, không làm rõ chức năng nhiệm vụ sẽ rất khó cho người ta”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Nội vụ phải trả lời Bộ Công an. Liên quan đến gần 11.000 trưởng công an xã là công chức xã ở các địa phương dôi dư, phải báo cáo Chính phủ hướng xử lý. Còn những nội dung khác như quy định chức năng, nhiệm vụ của công an xã, Bộ Nội vụ phải làm ngay.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ giải thích thêm, khi sửa Luật Công an nhân dân với chủ trương đưa công an chính quy về xã, Bộ Công an phải đánh giá tác động có tăng biên chế hay không. Trong khi trên thực tế, biên chế trong ngành công an bị tăng lên.
Giải đáp băn khoăn về vấn đề biên chế, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cho biết, khi xây dựng chủ trương công an xã chính quy, Bộ Công an đã đánh giá tác động trong 126.000 công an xã chính quy. Sau khi triển khai, có 44.000 công an xã nghỉ và chuyển công tác khác, Bộ cũng đã tính toán trong đánh giá tác động.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cho biết: “Biên chế Bộ Công an không tăng, còn hơn 80.000 công an xã là hưởng phụ cấp chứ không phải công chức xã, như vậy là không tăng biên chế”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu, liên quan đến nghị định quy định về công an xã, thị trấn chính quy, sau ngày 8-12 khi Bộ Nội vụ trả lời, Bộ Công an phải trình lên Chính phủ vào ngày 10-12. Riêng vướng mắc về biên chế sẽ được báo cáo Chính phủ tìm hướng xử lý.
Với 6 đề án nợ đọng của Bộ Công an, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đây đều là những đề án rất quan trọng nên phải hoàn thành sớm, đề nghị đại diện Bộ Công an chốt thời hạn cuối cùng. Nhắc đến việc các đề án nợ đọng, chương trình công tác chủ yếu chuyển từ năm 2019 sang, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị đại diện Bộ Công an về báo cáo Bộ trưởng, xem xét những việc thực hiện được thì phải làm bằng được trong năm 2020.
“Trước đây, các đề án được xây dựng theo kiểu mỗi nơi đề xuất một kiểu, không tính toán các điều kiện cần và đủ để làm, cứ xin để đó nhưng không làm được nên bây giờ hậu quả là nhiều đề án rất khó thực hiện, vì thiếu nguồn lực, kinh phí”, nêu vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng, đề nghị rà soát lại tất cả đề án để tính toán, nếu khả thi thì phải hoàn thành trong tháng 12-2020, không khả thi thì xin rút. Ông cũng đề nghị trong năm 2021, việc xây dựng chương trình, đề án phải có đánh giá tác động, nêu rõ các điều kiện cần và đủ, nhất là kinh phí và nhân sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.