(HNM) - Đó là ý kiến được đưa ra tại hội thảo Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức ngày 24-9.
Để bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, BLTTHS cần có một chương về tịch thu tài sản và quy định về việc yêu cầu người phạm tội giải trình về nguồn gốc tài sản và tịch thu tài sản. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân, chuyên gia, nhân chứng của vụ án tham nhũng cũng cần làm rõ hơn nữa, tránh tình trạng người dân ngại tố cáo tham nhũng.
Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm tham nhũng, PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị, khi cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội tham nhũng, chuyển ngay hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để xem xét, xác minh khởi tố vụ án mà không phải tiếp tục thanh tra, có kết luận rồi mới chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng cần nghiên cứu bổ sung biện pháp ngăn chặn phong tỏa tài khoản của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để hạn chế kịp thời việc tẩu tán tài sản bởi đa số trường hợp tham nhũng là tội phạm có tổ chức; người phạm tội có sự liên kết với nhau chặt chẽ, thủ đoạn che giấu tội phạm rất tinh vi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.