Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không dễ dùng chung

Việt Nga| 27/10/2011 07:01

(HNM) - Sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông (cột ăng ten, trạm thu phát sóng (BTS)…) là yêu cầu cấp thiết đã được đặt ra. Các DN cung cấp dịch vụ cũng ủng hộ chủ trương này, song việc dùng chung không đơn giản…


Sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông - một vấn đề còn nhiều bất cập. Ảnh: Thanh Hải


Tại Hà Nội hiện có 7 nhà cung cấp dịch vụ di động đang hoạt động với hàng nghìn trạm BTS. Theo yêu cầu phát triển, hằng năm các nhà mạng phải "trồng" thêm cột BTS mới và nếu không có các quy định về dùng chung cơ sở hạ tầng, có lẽ một ngày nào đó, người dân Hà Nội khi muốn nhìn lên cao thay vì được thấy bầu trời, thấy những tòa nhà cao tầng sẽ chỉ thấy những hàng cột BTS, gây mất mỹ quan đô thị. Nhưng, điều đó không chỉ dừng lại ở đó, việc cứ mỗi nhà mạng tự xây BTS cho mạng của mình còn gây ra sự lãng phí về tiền của… Vì vậy, từ năm 2009 Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội đứng ra chủ trì xây dựng đề án dùng chung BTS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, bằng việc xây dựng 10 điểm BTS dùng chung. Đề án này đã được các sở, ngành, quận, huyện ủng hộ tạo điều kiện và các DN cũng ủng hộ. Cũng từ đề án này, đến nay trên địa bàn toàn TP có 825 điểm BTS dùng chung theo phương thức hoặc thực hiện 1 đổi 1, hoặc nhà mạng lựa chọn hình thức thuê lại BTS của các công ty xây dựng hạ tầng dùng chung.

Nhưng, nếu nhìn vào toàn bộ số lượng BTS trên địa bàn Hà Nội thì 825 điểm dùng chung này chưa thấm gì so với hiện có. Tính đến tháng 10-2011, Hà Nội có 4.407 trạm BTS mà như vậy số BTS dùng chung mới chỉ chiếm chưa đầy 1/5 tổng số trạm hiện có. Vậy, vì sao lại có chuyện này, trong khi các DN đều thừa nhận lợi ích của dùng chung đó là DN vừa đỡ kinh phí đầu tư, vừa đỡ mất thời gian làm thủ tục xây dựng do người dân khiếu kiện… Thứ nhất, các ý kiến của DN đều ủng hộ chủ trương này và thừa nhận có những chỗ dùng chung là hợp lý, song có những vị trí lại rất khó khi các DN dùng chung hạ tầng. Bởi, không phải nhà mạng nào cũng lựa chọn ban đầu được những vị trí thích hợp cho xây dựng BTS nên đây là căn nguyên mà có nhiều điểm không thể treo nhiều thiết bị của các mạng khác (cụ thể có nhà mạng chỉ dựng trạm trên nóc nhà dân với diện tích 40-60m2 là quá nhỏ không thể dựng được cột "chứa" đủ 7 nhà mạng). Hơn nữa, bản thân nhà mạng cũng tính chuyện sẽ mở rộng thêm khi có nhu cầu tăng dung lượng, nên nếu cho mạng khác dùng chung, sau sẽ xử lý thế nào (trong khi trung bình mỗi cột, một nhà mạng đã có 3 ăng ten)… Vì thế, các DN cho rằng mỗi vị trí BTS chỉ nên dùng chung giữa tối đa 3 nhà mạng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu có rất ít trạm BTS dùng chung nhiều nhà mạng như thế vì thực tế ngay cả điểm BTS thí điểm dùng chung ở quận Hoàn Kiếm cũng mới chỉ có duy nhất một trạm có 5 nhà mạng lắp đặt chung. Như vậy, cũng từ đó có thể đặt câu hỏi, liệu đây có phải là cái cớ để các DN hạn chế chia sẻ hạ tầng lẫn nhau, vì suy cho cùng đó cũng là cạnh tranh sống còn của mỗi nhà mạng, cho nên dù biết là lãng phí khi đầu tư, nhưng vẫn phải chấp nhận(?!).

Cũng theo Sở TT-TT Hà Nội, việc các DN dùng chung hạ tầng còn hạn chế còn có nguyên nhân từ phía quản lý nhà nước chưa theo kịp. Chẳng hạn, đến nay vẫn thiếu những quy định pháp lý cần thiết hướng dẫn cụ thể để DN triển khai dùng chung hạ tầng. Mặt khác, ngay cả với chính quyền địa phương được phân cấp cấp phép xây dựng BTS thì việc cấp phép cũng chậm, thậm chí có 3 quận, huyện là Đống Đa, Đan Phượng và Phúc Thọ từ năm 2009 đến nay chưa cấp được giấy phép xây dựng trạm BTS nào (tính đến thời điểm tháng 10-2011)…
Những khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan đã cho thấy, việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông ở Hà Nội không phải là chuyện của ngày một ngày hai…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không dễ dùng chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.