(HNM) - Thả diều, bóng bay ở gần đường dây điện có thể gây chập cháy, hư hỏng lưới điện, làm mất điện trên diện rộng. Mặc dù Tổng công ty Điện lực Hà Nội và chính quyền các địa phương đã liên tục cảnh báo người dân không thả diều, bóng bay gần hệ thống lưới điện, song vi phạm vẫn tái diễn. Cho nên, rất cần sự chấp hành nghiêm quy định về bảo đảm an toàn lưới điện từ người dân bên cạnh nỗ lực tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời sự cố của ngành Điện Hà Nội.
Bất chấp cảnh báo
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tình trạng người dân thả diều, bóng bay sau đó bị vướng vào hệ thống lưới điện diễn ra khá phổ biến. Trong buổi sáng 20-5, ghi nhận của phóng viên tại ngõ 6, xóm Vườn Ươm, thôn Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức), một chiếc diều bị hút vào đường điện trung thế. Là người ở gần đường điện này, ông Nguyễn Văn Uyên, ở số nhà 7, ngõ 6, xóm Vườn Ươm cho biết: “Tình trạng diều bay vướng vào đường điện không phải xảy ra lần đầu. Khi phát hiện trên, tôi đã báo cho Công ty Điện lực Hoài Đức để xử lý sự cố”.
Trước đó, ngày 23-4-2020, một chiếc diều bị hút vào đường điện trung thế 482E 137, cột 12, nhánh Đắc Sở 2 (huyện Hoài Đức) gây mất điện tại 5 xã: Sơn Đồng, Tiền Yên, Vân Côn, Đắc Sở, Song Phương. Theo Công ty Điện lực Hoài Đức, từ ngày 23-4 đến 20-5-2020, trên địa bàn huyện xảy ra 13 vụ diều mắc vào đường dây điện trung thế.
Tại huyện Thanh Trì, từ đầu năm đến nay xảy ra 5 vụ diều và bóng bay "tấn công" đường dây gây mất điện. Chỉ riêng trong tháng 2-2020, đã xảy ra 4 vụ tại đường điện trung thế xã Hữu Hòa, cột điểm đấu Trạm biến áp Yên Mỹ 1 (2 vụ) và tại cột 18, điểm đấu Trạm biến áp Công ty Hàn Việt, xã Ngũ Hiệp. Những vụ việc trên khiến thiết bị đóng - cắt điện bị ngắt tạm thời, ảnh hưởng đến nguồn cấp điện cho nhân dân trên địa bàn.
Tình trạng diều, bóng bay thả vào hành lang lưới điện ở một số quận nội thành không nhiều như ở ngoại thành nhưng cũng từng để lại hậu quả. Tại quận Ba Đình, người dân vẫn không quên 2 vụ bóng bay vướng vào đường dây điện ở Trạm biến áp ở số 356 phường Kim Mã và Trạm biến áp Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, ngõ 35 Kim Mã Thượng vào tháng 2-2019, làm gián đoạn việc cung cấp điện trên địa bàn. Còn gần đây, vẫn xảy ra tình trạng thả diều, bóng bay gần các trạm biến áp dù chưa xảy ra sự cố lớn.
Về nguyên nhân xảy ra các sự cố nêu trên, đại diện công ty điện lực một số quận, huyện, trong đó có ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Trì, cho biết là do người dân bất chấp cảnh báo của ngành Điện. Nhiều người cố tình cho trẻ em thả diều, bóng bay ở khu vực có đường dây điện chạy qua hoặc khu vực có trạm biến áp, trụ điện. Việc này dễ gây nên sự cố diều quấn vào, dẫn đến chập, cháy nổ, mất điện.
Tăng cường tuyên truyền, kịp thời xử lý sự cố
Dù chưa có thiệt hại về người do diều, bóng bay "tấn công" lưới điện, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ba Đình, nếu sự cố xảy ra có thể gây mất điện trên diện rộng, thậm chí gây chập cháy. Hằng năm, công ty đều đề xuất UBND quận Ba Đình chỉ đạo các đơn vị liên quan ký cam kết với các hộ dân sống quanh các trạm biến áp không thả vật bay, bóng bay.
Còn theo ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Trì, công ty đã phối hợp với Đài Phát thanh huyện Thanh Trì liên tục phát thông tin cảnh báo trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, thị trấn, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tăng cường nhắc nhở để người dân nắm rõ tác hại của việc thả diều, bóng bay gần hệ thống lưới điện. Từ đó, người dân có ý thức chung tay cùng đơn vị chức năng, bảo vệ an toàn lưới điện.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Chí Hưng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hoài Đức cho hay, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời sự cố do diều, bóng bay gây ra, công ty thường xuyên giao nhiệm vụ cho công nhân đi kiểm tra, đặc biệt là các buổi chiều - thời điểm trẻ em hay thả diều, bóng bay.
Để phòng ngừa sự cố lưới điện và tai nạn điện cho người dân, đặc biệt khi mùa mưa bão đang đến gần, ông Lê Việt Hùng, Phó Trưởng ban Truyền thông, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội khuyến cáo: Khách hàng, người dân không được thả diều, bóng bay, vật bay vào hành lang lưới điện vì đây là hành vi vi phạm an toàn điện, được quy định tại Điều 4, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện. Vì vậy, mỗi cá nhân cần chấp hành nghiêm quy định để bảo đảm an toàn cho chính mình và mọi người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.