Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để dịch Ebola xâm nhập

Thu Trang| 12/08/2014 05:59

(HNM) - Ebola là dịch bệnh tối nguy hiểm với khả năng lây lan rộng. Do đó, ngay tại thời điểm này, Việt Nam tập trung mọi giải pháp, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập.



Chiều cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã tổ chức họp với các bộ, ngành về công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh Ebola. Theo nhận định của các chuyên gia, Ebola là dịch bệnh tối nguy hiểm với khả năng lây lan rộng. Do đó, ngay tại thời điểm này, Việt Nam tập trung mọi giải pháp, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập.

Giám sát thân nhiệt của hành khách qua máy đo tại sân bay Tân Sơn Nhất.


Giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh

Tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 50 đến 60 chuyến bay quốc tế, tương ứng với khoảng 6.000-7.000 khách quốc tế nhập cảnh. Tại đây, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã thành lập 2 phòng cách ly tại Nhà ga T1 với các trang thiết bị cấp cứu cần thiết, bảo đảm 2 máy giám sát thân nhiệt từ xa hoạt động tốt và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện tờ khai y tế đối với những hành khách đến từ vùng có dịch. Trung tâm cũng đã phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Bắc và Công an cửa khẩu Nội Bài áp dụng tờ khai y tế đối với chuyến bay đầu tiên trở về từ Ai Cập.

Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội Lê Đức Thọ cho biết, để bảo đảm giám sát 100% hành khách các chuyến bay đến từ vùng có dịch, tại đây đã bố trí trực 3 ca/24 giờ, mỗi kíp gồm có 4 cán bộ y tế. Các khách đi về từ vùng có dịch sẽ được giám sát y tế trong vòng 21 ngày. Mặt khác, Đội y tế khẩn nguy cũng đã được thành lập với phương tiện vận chuyển, nhân lực thiết bị phòng hộ đặt tại sân bay Nội Bài để ứng phó, hỗ trợ kịp thời cho lực lượng y tế trực thường xuyên trong tình huống khẩn cấp.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, trở ngại lớn trong công tác kiểm dịch tại cửa khẩu là do sân bay Nội Bài cũng như các cảng hàng không khác không có đường bay thẳng từ Châu Phi về nên việc tổ chức giám sát người đến từ vùng có dịch rất khó khăn. Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo giám sát tất cả những hành khách đến từ Châu Phi rải rác tại tất cả các chuyến bay quốc tế đến thông qua hộ chiếu của hành khách. Tại sân bay sẽ phân loại hành khách, nếu khách đến các khu dân cư trong cộng đồng thì danh sách sẽ được báo đến trung tâm y tế các quận, huyện. Nếu khách về khách sạn, nhà nghỉ thì chúng tôi cử người phối hợp với chính quyền địa phương đến giám sát. Sở Y tế Hà Nội đã bố trí 6 bệnh viện, gồm: Bắc Thăng Long, Hà Đông, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang và Việt - Pháp có Khoa Truyền nhiễm để tiếp nhận, cách ly khi có các ca nghi nhiễm.

Sau khi kiểm tra công tác kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, không chỉ giám sát chặt hành khách nhập cảnh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu tăng cường tuyên truyền giám sát hàng hóa nhập khẩu từ vùng có dịch. Không chỉ tăng cường việc giám sát dịch bệnh xâm nhập tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài, ngay trong thành phố, Sở Y tế phối hợp Sở VH-TT&DL tập huấn, truyền thông phòng chống dịch Ebola đến các cơ sở nhà nghỉ, khách sạn trong thành phố. Bởi trên địa bàn thành phố hiện có 1.700 nhà nghỉ, khách sạn, là khu vực lưu trú lớn khách trong và ngoài nước.

Kiểm dịch y tế tại các sân bay nhằm ngăn chặn dịch Ebola xâm nhập. Ảnh: Hải Minh


Rút cán bộ làm việc tại vùng dịch về nước

Tại cuộc họp chiều qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện tại Mỹ đã ghi nhận 3 trường hợp công dân làm việc và nhiễm bệnh tại Sierra Leone. Mặc dù, cho đến nay, Châu Á và Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh do virus Ebola, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực Châu Phi là hoàn toàn có thể. Bộ Y tế đề nghị Bộ Ngoại giao không cử cán bộ đi đến vùng đang có dịch bệnh trong trường hợp không cần thiết cũng như xem xét việc rút các cán bộ đang làm việc tại 4 nước Tây Phi về nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước tình hình trên, Bộ Ngoại giao đã thực hiện tuyên truyền về tình hình dịch bệnh Ebola cho Việt kiều tại các nước trong vùng dịch. Hiện Nigeria là một trong 4 nước ở Tây Phi đang có diễn biến bất thường, khó kiểm soát về dịch Ebola. Tại đây, hiện có 15 công dân Việt Nam đang sinh sống, trong đó 10 công dân ngoài vùng dịch, 5 công dân trong vùng dịch. Đến thời điểm này, chưa có công dân Việt Nam có triệu chứng của bệnh Ebola. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt với các cơ quan Nigeria tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh và có phương án ứng phó khẩn cấp khi cần thiết.

Với quyết tâm bằng mọi biện pháp không để dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị, bên cạnh việc giám sát hành khách nhập cảnh bằng đường hàng không, các ngành chức năng cần chú trọng giám sát các trường hợp đi, về từ vùng có dịch nhập cảnh qua đường bộ, đường thủy. Mặt khác, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường giám sát việc nhập các vật nuôi, sản phẩm về từ vùng có dịch. Bởi vì Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo virus Ebola trong tự nhiên tồn tại trên các động vật hoang dã như tinh tinh, dơi ăn quả, nhím, lợn rừng...

Hôm qua (11-8), tại trụ sở Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chính thức thành lập Văn phòng đáp ứng với các dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh Ebola. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp với các chuyên gia về phòng, chống dịch của WHO và Tổ chức phòng, chống dịch bệnh Hoa Kỳ về diễn biến và ứng phó với dịch Ebola. Tại cuộc họp, các chuyên gia đánh giá cao các ứng phó của Việt Nam, đồng thời cam kết hỗ trợ tối đa về kỹ thuật, trang thiết bị cho tiếp nhận, dự báo về dịch bệnh nguy hiểm. Trước mắt, các chuyên gia sẽ sớm hỗ trợ Việt Nam sinh phẩm chẩn đoán giúp xác định chính xác virus Ebola.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để dịch Ebola xâm nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.