(HNMO) - Gần đây, tại TP Hồ Chí Minh và những tỉnh lân cận, các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết đang bùng phát với tốc độ lây lan cao và có diễn biến phức tạp.
Vừa cho con nhập viện được 1 ngày, chị Hoàng Thị Hà (ngụ ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết, trước đó cháu có biểu hiện quấy khóc, sốt nhẹ và sau đó bị mụn nước, chấm đỏ ở quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân. “Nghi ngờ bị bệnh tay chân miệng, gia đình tôi đưa thẳng lên Bệnh viện Nhi đồng 1, may sao cháu bị ở thể nhẹ”, chị Hà cho biết.
Còn chị Nguyễn Thị Nga (ngụ ở thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho hay: “Cách đây 3 ngày, cháu nhà tôi có những biểu hiện sốt phát ban nên vẫn để ở nhà cho uống thuốc. Mãi hai ngày sau mới cho cháu nhập viện thì biết bị bệnh tay chân miệng. Hiện cháu đang nằm phòng cách ly và phải thở bằng máy”.
Hiện tại Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh), mỗi ngày tiếp nhận khoảng 60-80 ca bệnh tay chân miệng, trong đó, bệnh nhân ở các tỉnh lân cận chiếm tới 60% trên tổng số lượng. Điều đáng nói, ở thể nặng (độ 3, 4) chiếm từ 20 đến 30 ca/ngày.
Vào thời điểm đầu của dịch bệnh (cuối tháng 8 vừa qua), trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm - Thần kinh tiếp nhận từ 200 đến 220 ca bệnh tay chân miệng, tăng 200-300% so với cùng thời điểm năm ngoái. Bệnh viện đang điều trị 46 ca tay chân miệng mức độ nặng và 106 ca sốt phát ban nghi sởi.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: "Bệnh viện đã bố trí các phòng cách ly đối với các bệnh tay chân miệng và sởi. Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh cũng tăng cường giường bệnh để đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho bệnh nhi. Tình hình dịch bệnh tay chân miệng năm nay có sự gia tăng mạnh hơn ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam do chủng virus EV71 quay lại (chủng virus gây đại dịch tay chân miệng lớn trên cả nước năm 2011), trong khi trẻ chưa có miễn dịch với virus đó. Sự quay lại của virus đó có tính chu kỳ, khó dự đoán và cần kiểm soát ngay".
Theo số liệu từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 4 tuần qua, tổng số ca bệnh tay chân miệng trên địa bàn tăng gấp 2,2 lần so với 4 tuần trước đó. Trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn thành phố có 4.066 ca mắc bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Ngoài ra, thành phố đã ghi nhận 143 ca mắc sởi tính từ đầu năm đến nay.
Để hạn chế tính lây lan của dịch bệnh thời gian tới, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, cần tăng cường tiêm phòng cho các đối tượng ngoài độ tuổi tiêm chủng; chủ động tiêm phòng cho cán bộ y tế, nhất là những nơi tiếp nhận bệnh nhân để tạo hàng rào phòng dịch. PGS.TS Phan Trọng Lân cũng cho hay, các địa phương cần vận động sự vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào việc phòng, chống dịch bệnh.
Trong những ngày qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp đến TP Hồ Chí Minh kiểm tra và chỉ đạo về công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm.
Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương và ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để mỗi người dân có trách nhiệm cùng chung tay tham gia phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết như: Rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), tiêm chủng vắc xin phòng bệnh…
Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương trong việc vận động các bà mẹ đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là rất quan trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.