(HNM) - Giúp người nghèo cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, tự vươn lên thoát nghèo và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản là mục tiêu hướng đến của chính quyền TP Hà Nội khi ban hành Quyết định số 824/QĐ-UBND (ngày 10-2-2017) về Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Với quyết định này, cùng nhiều văn bản trước đó, hệ thống chính sách giảm nghèo của Thủ đô cơ bản được hoàn chỉnh, có nhiều giải pháp căn cơ, không chỉ cấp “cần câu” mà quan trọng là khích lệ ý chí vươn lên thoát nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Để xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trở thành mối quan tâm hàng đầu của thành phố, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính. Gần 9 năm dồn lực cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, miền núi, ven sông và xã, thôn đặc biệt khó khăn, Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ giảm nghèo nhanh. Chỉ riêng năm 2016, toàn thành phố giảm 23.592 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 3,64% xuống còn 2,37%. Đây là minh chứng khẳng định, các chính sách, chương trình giảm nghèo của thành phố thực sự hỗ trợ người dân, đặc biệt nhóm người nghèo, người lao động yếu thế nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội.
Dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng mức độ dễ bị tổn thương trước sự tấn công của đói nghèo vẫn còn cao, tập trung chủ yếu ở bộ phận dân cư có trình độ học vấn và kỹ năng thấp. Chưa kể, nguy cơ tái nghèo vẫn hiện hữu, nhất là 6 thôn đặc biệt khó khăn của huyện Ba Vì. Vì vậy, kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 thể hiện rõ quan điểm: Cho “cần câu” chứ không chỉ cho "con cá"; bên cạnh việc giúp đỡ cần để người nghèo tự vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Hơn 10.200 tỷ đồng sẽ được huy động từ nhiều nguồn: Trung ương, thành phố, quận, huyện và xã hội hóa để thực hiện đồng thời 4 nhóm giải pháp. Đối với người lao động, việc làm và thu nhập ổn định là điều kiện tiên quyết để có thể tự giảm nghèo và tự an sinh. Vì thế, chiếc "cần câu" mà thành phố mang đến cho người nghèo không đâu khác chính là hệ thống chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật... để có sinh kế, thu nhập tốt hơn.
Đi kèm đó, nhóm chính sách hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh) sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo. Cùng với các nhóm giải pháp bao trùm, tác động trên diện rộng còn có chính sách hỗ trợ trực tiếp thành viên bị mắc bệnh hiểm nghèo, giúp hộ nghèo vơi bớt khó khăn.
Đường đi, nước bước đã rõ, TP Hà Nội sẽ nỗ lực phấn đấu để không còn thôn đặc biệt khó khăn vào năm 2018; số hộ nghèo chỉ còn 1,1% vào năm 2020. Việc cần làm ngay là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động hộ gia đình, doanh nghiệp phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” hỗ trợ 6 thôn đặc biệt khó khăn vươn lên. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp, ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Cũng cần nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, qua đó giúp người nghèo ngày càng nhận thức được nhu cầu, quyền, lợi ích và trách nhiệm của mình, chủ động tham gia vào quá trình giảm nghèo của chính mình.
Cải thiện và nâng cao đời sống cho người nghèo là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chỉ khi tạo được sự đồng lòng, chung sức, đưa phong trào giảm nghèo trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp lo cho dân nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi đó mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp mới được hiện thực hóa một cách trọn vẹn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.