(HNM) - Sau chỉ đạo của Chính phủ và những băn khoăn của dư luận về việc mở ngành đào tạo y, dược tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu nhà trường phải áp những quy định khắt khe hơn mới được bắt đầu tuyển sinh.
Để công bằng với trường cũng như giữ chất lượng của ngành đào tạo đặc biệt này, từ đây những biện pháp kiểm soát chặt chẽ sẽ được áp dụng trong toàn bộ hệ thống các trường y, dược, không kể trường công lập hay ngoài công lập.
Việc lấy điểm sàn riêng cho ngành y, dược sẽ bảo đảm chất lượng đầu vào, giữ sự công bằng giữa các trường. |
Sẽ không được "vừa chạy vừa xếp hàng"
Tại cuộc họp báo về kết quả kiểm tra điều kiện đào tạo ngành y, dược của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ, thông tin đáng chú ý là Bộ GD-ĐT đã rút lại việc cho phép Trường tuyển sinh ngành y đa khoa trong năm 2016, thay vào đó, chỉ có ngành dược được tuyển sinh ngay. Trước đó, hai bộ GD-ĐT và Y tế đã có kết quả thẩm định ngày 5-10-2015, là cơ sở để Trường được phép mở cả 2 ngành trong năm 2016. Vậy tại sao sau khi kiểm tra lại các điều kiện thì lại có văn bản với kết luận khác? Trước câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ GD ĐH giải thích: Theo kết quả thẩm định ngày 5-10, về cơ bản Trường đã bảo đảm đủ điều kiện theo quy định, Bộ đề nghị Trường bổ sung thêm một số điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ. Theo quan điểm lúc đó, ở giai đoạn đầu, các điều kiện đã đủ để mở ngành và có thể hoàn thiện ở những năm sau theo như quy định. Nhưng sau đó, từ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như trước dư luận xã hội và yêu cầu bảo đảm chất lượng, Bộ đã yêu cầu Trường phải đủ tất cả các điều kiện mới được tuyển sinh. Các quyết định này khác nhau là bởi sự thay đổi quan điểm ở các giai đoạn khác nhau, với các yêu cầu khác nhau. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết thêm: Để giữ sự công bằng giữa các trường, về sau, việc mở ngành của các trường khác cũng sẽ tuân theo tiền lệ này.
Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của Bộ trong thời gian qua để bảo đảm chất lượng đào tạo ngành y, dược. Hiện trong hệ thống có 21 trường đào tạo y, trong đó có 14 trường đa ngành và 5 cơ sở ngoài công lập; 26 trường đào tạo dược trong đó có 14 trường ngoài công lập và 16 trường đa ngành. Bộ có sự kiểm soát lúc mở ngành, kiểm soát hằng năm và có rà soát tổng thể theo từng thời kỳ. Gần đây, năm 2014, sau khi rà soát, Bộ đã buộc dừng tuyển sinh 207 ngành không bảo đảm điều kiện, trong đó có 6 cơ sở đào tạo y, dược. Bà Kim Phụng cho biết, sắp tới, hai bộ GD-ĐT và Y tế sẽ họp và thống nhất kiểm tra các trường đào tạo y, dược để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập. Những trường mới mở ngành sẽ được lựa chọn kiểm tra trước để bảo đảm các trường đáp ứng đúng yêu cầu.
Điểm sàn riêng cho ngành y, dược
Trước yêu cầu về nâng cao chất lượng đào tạo ngành y, dược, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh, Trường ĐH Y Hà Nội, cũng là thành viên đoàn kiểm tra liên ngành Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, cho biết: Mới đây, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH khối ngành y, dược đã họp và đưa ra đề xuất ngưỡng điểm sàn cho tuyển sinh đào tạo hai ngành này. Theo đó, hội đồng sẽ đề xuất với Bộ GD-ĐT ra quy định yêu cầu các trường y, dược tuyển sinh năm 2016 sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, phải áp dụng điểm ngưỡng cho ngành dược học (học 5 năm) và y đa khoa (6 năm). Luật quy định các trường được tự chủ nhưng ngành y là ngành đặc biệt, chịu sự điều chỉnh của luật và quản lý nhà nước. Mặc dù vậy, đào tạo y, dược là sân chơi chung, không thể lấy điểm chuẩn vào trường y này để áp cho trường khác. Về mặt kỹ thuật, vấn đề là làm sao để tính được mức điểm này. Sơ bộ các thầy trong Hội đồng các trường y, dược đưa ra ý kiến là thí sinh phải đạt mức trung bình 7 điểm/môn. Phương án khác là lấy trong giới hạn những thí sinh ở top 30% điểm cao nhất.
Sau khi có ý kiến của dư luận, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các trường tư thục, đa ngành báo cáo đào tạo y đa khoa. Kết quả cho thấy các trường đều tuyển sinh từ mức 20 điểm trở lên. Riêng Trường ĐH Võ Trường Toản báo cáo có 2 năm tuyển sinh thì một năm lấy từ 19 điểm. Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội chưa được tuyển sinh nhưng cũng dự kiến lấy từ 20 điểm trở lên. Bà Kim Phụng cho biết: Việc xác định điểm sàn riêng cho ngành y, dược cũng đã được đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia, các sở GD-ĐT để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2016. Nhưng Luật GD ĐH cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh, nên việc đưa ra quá nhiều quy định có thể đặt ra vấn đề vi phạm quyền này. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường đào tạo các ngành đặc thù đưa ra các ngưỡng bảo đảm chất lượng phù hợp với các đặc thù, nếu như thuyết phục được xã hội. Các trường y, dược nếu như được xã hội đồng thuận, có thể đưa ra điểm sàn riêng trong mùa tuyển sinh mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.