Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không coi nhẹ vành đai xanh

Vũ Duy Thông| 13/12/2011 06:24

(HNM) - Việc hai bản quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vừa triển khai là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đến năm 2020 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đang rất được chú ý.


Có thể nói, việc xây dựng chính quyền vững mạnh, phát triển và chỉnh trang đô thị… hay nói rộng hơn mọi vấn đề thuộc đời sống của người Hà Nội đều ít nhiều liên quan đến hai bản quy hoạch này, nên thu hút sự quan tâm của người dân là tất nhiên. Phạm vi quan tâm rất rộng, ở đây chỉ xin giới hạn đến một vấn đề có liên quan đến cả hai quy hoạch, đó là môi trường xanh và các công trình an sinh. Trong mọi quy hoạch thứ cấp, nhất là quy hoạch xây dựng, đây là vấn đề thường bị bỏ qua, có vi phạm cũng xử lý nhẹ, nhưng lại là lĩnh vực rất thiết thực với đời sống mọi tầng lớp xã hội.

Đọc đến đây, có thể nhiều chủ dự án, nhiều cấp chính quyền sẽ thanh minh không một dự án nào lại không đặt các công trình an sinh (nhà trẻ, trường học, chợ búa, nhà hàng) và môi trường (không gian sống, không gian xanh, nơi thu gom rác, nơi xử lý nước thải) vào vị trí quan trọng, thậm chí là hàng đầu. Đã có rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về vấn đề này và đã xử lý không ít vi phạm. Ngay trong quá trình triển khai hai quy hoạch tổng thể trên, vấn đề môi trường và an sinh cũng được nhấn mạnh, thể hiện một quyết tâm lớn.

Nói là vậy nhưng trên thực tế, ta sẽ thấy việc làm không bằng được lời nói. Không quá xa xôi, ngay gần trung tâm Thủ đô, trên những con đường lớn mới mở, các khu đô thị mới, tình trạng vi phạm tỷ lệ đất xây dựng diễn ra khá phổ biến. Cũng do quy hoạch, nhiều đồng ruộng, làng mạc đã biến dạng, mất đi màu xanh và không gian sống. Trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, người ta rất coi nhẹ hành lang xanh, vành đai xanh, công viên xanh, trục cây xanh và dù đã quy hoạch nhưng nếu có ai vi phạm thì cũng chỉ coi là việc đã rồi "phạt cho tồn tại". Trong các khu đô thị, quy hoạch đều có nhưng kiểm tra ra, hầu hết các công trình như trường học, nhà trẻ, chợ búa, bãi xe… đã bị mất đất hoặc chưa xây dựng và chưa biết đến khi nào xây dựng. Làm bài tính đơn giản, ở những khu đô thị mới, giá thị trường một mét vuông đất hiện nay lên đến hàng triệu, vậy bị phạt vài tỷ đồng để có thêm hàng trăm mét vuông đất, đằng nào lợi hơn (nhưng đã mấy ai bị phạt đến vài tỷ đồng?). Cho nên, vi phạm quy hoạch môi trường và công trình an sinh là cách chiếm dụng, tham nhũng khá phổ biến vì dễ làm, nhẹ tội.

Cũng cần nói thêm, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong quy hoạch và xây dựng từ các khu tập thể cổ ở Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Thành Công, Thanh Xuân Bắc tới các khu nhà liền kề, các chung cư "hiện đại"… do đó, dự báo là một khâu cực kỳ quan trọng trong quy hoạch và kinh tế. Thời của các chung cư từng một thời "hiện đại", các dãy nhà liền kề như chuồng chim xấu xí và bất tiện, các "biệt thự" nhàm chán ở các khu đô thị mới, các nhà ống xây chen, các nhà diện tích quá nhỏ đã và đang dần chấm dứt. Tình trạng "vỡ bong bóng", rớt giá bất động sản hiện nay còn có nguyên nhân này chứ không chỉ là những điều vẫn nói. Xu hướng ngày càng phổ biến hiện nay là muốn có nhà ở các khu đô thị sinh thái, có không gian xanh tương đối rộng rãi, gần các công trình an sinh, tiện đến các công viên… Để đáp ứng điều đó, người ta ngày càng thích những ngôi nhà ngoại ô, cách trung tâm khoảng 40km trở lại. Không hiểu những dự báo ấy có ích cho các nhà quy hoạch, nhà đầu tư và cả những người có trách nhiệm với Hà Nội trong khi bắt đầu triển khai hai quy hoạch rất quan trọng hiện nay không?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không coi nhẹ vành đai xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.