(HNM) - 1. Một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” nêu rõ là “cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan”.
Cực đoan là cụm từ nhằm chỉ những đối tượng thường xem những việc mà mình làm đều đúng và dùng để nói lên sự thái quá của một người như: Không chịu chấp nhận sự thật, luôn cho rằng mình đang làm mọi thứ đúng hoàn toàn…
Nên “dân chủ cực đoan” có thể hiểu là dân chủ quá trớn, dân chủ vượt ra khỏi quy định pháp luật, vi phạm những giá trị có tính phổ biến của cộng đồng. Cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan là cổ vũ cho hành vi sai trái.
Những bất ổn xã hội, thậm chí bạo loạn, lật đổ khiến nhân dân lầm than xảy ra ở một số nước trong vài thập kỷ gần đây thông qua cái gọi là “Cách mạng màu” đều liên quan đến những “chiêu bài dân chủ” được nhen nhóm từ những hành vi cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan trong cộng đồng.
Tại Việt Nam, những quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan vẫn thường xuyên được những kẻ cơ hội chính trị, phản động tìm cách gieo rắc, tuyên truyền. Dễ thấy nhất hiện nay là trên mạng xã hội với những thông tin, hình ảnh chống phá, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bôi xóa, cắt ghép thành vấn đề mất dân chủ, kêu gọi đấu tranh, tụ tập biểu tình... Chúng lập ra nhiều trang tin tức giả mạo, trà trộn hoặc lập ra các nhóm cộng đồng mạng kiểu “lập lờ đánh lận con đen” để lan truyền thông tin xấu, độc nhằm vu khống, bịa đặt về thực trạng xã hội, đánh lừa, kích động sự bất mãn của người dân.
Mới đây, xuất hiện hiện tượng người có tiếng tổ chức phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội để phán xét không có căn cứ xác thực về người khác, vi phạm pháp luật, kích động, gây mất trật tự xã hội. Họ tự cho rằng như thế mới là dân chủ... Sự việc bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, tỉnh Bình Dương) vừa bị Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, bắt giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” có bóng dáng của câu chuyện này.
Cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan là vấn đề mang tính thời sự, cần quan tâm và ngăn chặn kịp thời, bởi không chỉ có tác động trong Đảng mà còn liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2. Trước thực tế khách quan và hậu quả có thể xảy ra, hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên, nhân dân ta cần nhận thức rõ ràng và đầy đủ về dân chủ để có thái độ, hành động đúng. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng ta luôn khẳng định, dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.
Thực tiễn những năm qua đã cho thấy hiệu quả và sự tiến bộ trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đây là nội dung đã được nêu rõ trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quyền làm chủ của người dân không ngừng được mở rộng. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vừa là mục tiêu, vừa là động lực khơi dậy sức mạnh nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước.
Từ việc xuất hiện những hành vi cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan, cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một trong những giải pháp hàng đầu là phải tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên; trang bị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân những kỹ năng cần thiết để dễ dàng nhận biết, ứng phó và đồng lòng đẩy lùi thông tin xấu độc.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện quy chế về kỷ luật phát ngôn đối với cán bộ, đảng viên; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở để thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; xử lý nghiêm những cá nhân, nhóm người cấu kết với nhau, lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc” để xuyên tạc và có hành vi nói, viết, lưu trữ, phát tán tài liệu sai trái...
Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cơ quan chức năng cần kiểm tra, duy trì và thực hiện tốt Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin…, có biện pháp xử lý những mạng xã hội cố tình dung túng, chứa chấp các nội dung bịa đặt, phản động.
Đối với cán bộ, đảng viên, điều quan trọng là cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm nêu gương để luôn có ý thức đối với mỗi lời nói, việc làm. Đây chính là “vắc xin” để mỗi người tự đề kháng, tự miễn dịch, không bị đánh lừa dẫn đến vô tình cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan, lệch lạc, sai trái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.