(HNM) - Sau khi những ứng cử viên vô địch ở khu vực châu Âu như Anh, Pháp, Đức gây thất vọng thì Hà Lan phần nào đã khẳng định được đẳng cấp, cho dù còn không ít vấn đề.
* Hà Lan - Nhật Bản: 1-0; Ghana - Australia: 1-1
(HNM) - Sau khi những ứng cử viên vô địch ở khu vực châu Âu như Anh, Pháp, Đức gây thất vọng thì Hà Lan phần nào đã khẳng định được đẳng cấp, cho dù còn không ít vấn đề.
Nhọc nhằn lắm mới thắng Nhật Bản 1-0 nhưng trong chiến thắng ấy của Hà Lan lại nổi lên một yếu tố của nhà vô địch - có những cá nhân biết xoay chuyển cục diện. Hà Lan đang sở hữu W.Sneijder - một cầu thủ biết cách đưa đội bóng vượt qua khó khăn.
Một pha bóng trong trận Nhật Bản (áo trắng) gặp Hà Lan. |
Không có cơn lốc nào nổi lên trên SVĐ Moses Mabhida trong cuộc đối đầu Hà Lan - Nhật Bản. Trước đó nhiều người đã dự đoán rằng "cơn lốc màu da cam" Hà Lan sẽ cuốn phăng Nhật Bản kể cả khi đội tuyển của xứ Mặt trời mọc dựng xe buýt trước khung thành. Nhưng thực tế không như vậy, nhờ tài điều binh khiển tướng của HLV Takeshi Okada. Biết mình biết người nên HLV kỳ cựu này đã xây dựng cho Nhật Bản một thế trận vững chắc, làm bàn đạp cho các cuộc phản công. Người Nhật có thể phản công chưa sắc nhưng họ đã thành công trong việc phá lối chơi của Hà Lan, nhất là trong hiệp 1. Nếu không có sự áp sát liên tục mỗi khi cầu thủ Hà Lan cầm bóng, có lẽ khung thành Nhật Bản đã liên tục chao đảo. Không có thời gian để kiểm soát bóng - điều mà bóng đá Hà Lan luôn đề cao, coi đó là phương châm để đánh bại đối thủ, cộng với việc di chuyển không bóng bị bắt bài, dễ hiểu vì sao cả đội tuyển Hà Lan chơi mờ nhạt.
Cũng may một trận đấu còn có giờ giải lao, nếu không Hà Lan còn bế tắc. Chính sau giờ nghỉ, việc đẩy tốc độ trận đấu đã tạo cho Hà Lan hàng loạt cơ hội áp sát khung thành đối phương và hàng thủ Nhật Bản thực sự lung lay. Nhưng nếu không có W.Sneijder, khó tin rằng Hà Lan sẽ vượt qua Nhật Bản. Cú sút ghi bàn ở phút 52 của tiền vệ này quá căng, hiểm cộng quỹ đạo trái bóng khó lường, là điểm sáng duy nhất của trận đấu. Điểm sáng đến từ một ngôi sao biết xoay chuyển cục diện trong những thời khắc khó khăn nhất tạo nên sự khác biệt giữa Hà Lan và Nhật Bản ở trận này. Chính bàn thắng ấy mới mang đến những cơ hội ăn bàn mười mươi cho Hà Lan những phút cuối trận nhưng đều bị tiền đạo Affelay bỏ lỡ. Chính bàn thắng ấy mới khiến Nhật Bản thực sự bốc lên, tạo nên những phút cuối đầy kịch tính trong đó đáng kể nhất là cú sút vọt xà ngang vào cuối trận của Okazaki, qua đó chứng minh rằng hàng thủ của Hà Lan cũng có những điểm yếu dù rằng chưa để thủng lưới bàn nào sau 2 trận.
Rõ ràng Nhật Bản có lý do để tiếc nuối chứ không phải ngẩng cao đầu sau thất bại trước đội bóng hơn hẳn về đẳng cấp Hà Lan.
Pha ghi bàn của Gyan (3) vào lưới ĐT Australia. |
Trận đấu giữa Ghana với Australia xứng đáng là nơi tôn vinh tinh thần thi đấu của các tuyển thủ Australia. Bởi với 10 người từ phút 24 (sau khi Kewell bị thẻ đỏ vì để bóng chạm tay trong vòng cấm địa, dẫn đến bàn gõ hòa 1-1 từ chấm 11 của Ghana, do công của A.Gyan) họ đã đứng vững trước sức tấn công ào ạt của Ghana. Đấy là điều mà chưa đội bóng nào có cầu thủ bị thẻ đỏ từ đầu World Cup 2010 làm được. Những Algeria, Serbia đến Đức đều không trụ vững sau khi cầu thủ bị thẻ đỏ trong khi Australia lại biết cách khắc chế đối thủ nhờ sự tỉnh táo của các cầu thủ và nhất là sự xuất sắc của thủ thành M.Schwarzer. Thực tế, Australia đã có thể giành trọn 3 điểm sau pha làm bàn của Holman ở phút 11 từ pha bắt bóng không dính của thủ môn Ghana Kingson và đã tạo được thế trận có lợi cho mình. Có điều, quyết định có phần khắc nghiệt của trọng tài (rút thẻ đỏ với Kewell) - đã khiến Australia phải thi đấu thiếu người trong cả 2 trận ở Worrld Cup 2010, đành phải hài lòng với 1 điểm dù muốn 3 điểm từ trước khi bóng lăn.
Tuy vậy kết quả hòa cũng giúp Australia nuôi hy vọng vào vòng 2 trong khi Ghana lại không thể bứt xa đành phải quyết đấu với đội tuyển Đức ở lượt cuối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.