(HNM) - Mấy ngày qua, theo thông tin của một số tờ báo viết và báo mạng, bản gốc tượng đài Thánh Gióng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bị ai đó phá hủy. Điều đó đã gây bức xúc cho bạn đọc. Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Phạm Quang Long về vấn đề này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
- Ông có biết việc báo chí đưa tin về việc “bản gốc tượng đài Thánh Gióng” bị phá hủy và những “đau xót” của tác giả về việc này?
- Có, tôi đã đọc cả báo viết và báo mạng.
- Ý kiến của ông về việc này?
- Tôi rất, rất... buồn vì việc này.
- Ông nói cụ thể hơn được không?
- Tôi rất buồn vì những thông tin lạ lùng ấy.
- Lạ lùng? Có cả ảnh về mẫu tượng gốc bị phá mà?
- Có việc ấy nhưng bản chất không phải vậy nên đã gây ra bức xúc cho nhiều người. Tôi cũng buồn vì những tờ báo đưa tin ấy đã không hiểu thế nào là bản gốc, thế nào là bản trung gian nên đã đưa tin thiếu chính xác và hậu quả là thông tin đến xã hội đã sai.
Tượng đài Thánh Gióng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sau khi hoàn thành. Ảnh: Bá Hoạt |
- Nhưng điều băn khoăn là anh Kim Xuân vốn là người trong cuộc đã nói như vậy?
- Đúng, tôi còn băn khoăn về cả những ý kiến của anh Kim Xuân nữa. Người khác không hiểu thì còn có thể sai. Anh Kim Xuân thì không thể nói là không hiểu được.
- Nghĩa là có chuyện “cố tình nói sai”?
- Tôi không phải là tác giả của câu nói đó nên tôi không biết nhưng tôi cho rằng, người biết việc không nên phát ngôn thiếu trách nhiệm như vậy.
- Ông nói rõ hơn vụ này được không?
- Quy trình dài dòng nhưng tôi nói ngắn gọn thế này: Phác thảo tượng đài Thánh Gióng là của anh Kim Xuân. Khi phác thảo này được chọn và duyệt để dựng rồi thì người ta cho làm tượng đất theo tỷ lệ 1/1 để trình Hội đồng thẩm định. Tượng theo tỷ lệ này, kể cả mẫu bằng thạch cao cũng thế, là bước trung gian để sau đó Hội đồng nghiệm thu căn cứ vào mẫu này đánh giá sản phẩm cuối cùng có đạt hay không theo mẫu trung gian. Tượng Thánh Gióng bằng đồng dựng trên núi Vệ Linh mà mọi người thấy mới gọi là bản gốc. Mẫu thạch cao mà phóng viên lầm lẫn trong tên gọi ấy chỉ là khâu trung gian thôi.
- Vậy giá trị của mẫu thạch cao này là gì?
- Nó có giá trị trung gian và để đối chứng như tôi đã nói ở trên.
- Sau khi đúc bản chính xong thì mẫu trung gian ấy do ai quản?
- Vai trò của mẫu trung gian trong quá trình dựng tượng coi như đã xong. Người ta không cần giữ mẫu này nữa sau khi Hội đồng nghiệm thu đã nghiệm thu. Tác giả muốn giữ để làm của riêng mình cũng được còn không thì cơ quan thực hiện sẽ bỏ đi.
- Nhưng có thông tin, tác giả nói là còn đúc hai pho nữa để dựng ở hai nơi nữa?
- Tôi không biết thông tin ấy từ đâu. Thành phố Hà Nội được Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long giao cho dựng một tượng Thánh Gióng ở Sóc Sơn và đã thực hiện xong nhiệm vụ từ năm 2010. Theo tôi, không ai có quyền làm như thế nữa vì bản quyền ấy không còn thuộc về một ai khác, ngoài nhà nước mà cụ thể ở đây là Hà Nội. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc dựng thêm tượng cả.
- Nghĩa là những thông tin báo chí đã đưa là chưa chuẩn?
- Tôi khẳng định lại: nói bản gốc tượng Thánh Gióng bị phá hủy là sai, chủ trương dựng hai pho nữa thì tôi chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan nào cả. Ai đưa ra thông tin này cần công bố cho mọi người biết, đừng để tù mù kiểu ấy để khiến dư luận hiểu lầm. Tôi cũng kiến nghị cơ quan ngôn luận khi đưa những thông tin kiểu này cần kiểm chứng, vì đó cũng là trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan truyền thông. Không thể đưa những thông tin thiếu trách nhiệm xã hội như vậy đến người đọc để gây bức xúc không cần thiết.
- Ông có bức xúc về việc này?
- Sao lại không? Nếu đúng như thông tin của một số tờ báo viết và báo mạng thì các cơ quan quản lý nhà nước quá thiếu trách nhiệm. Mặt khác, người chịu trách nhiệm quá vô trách nhiệm trong phần việc của mình, trong trường hợp thông tin đó đúng hay sai cũng vậy. Điều đó thật đáng buồn!
- Xin cảm ơn ông về những vấn đề trao đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.