Ngạt mũi, chảy nước mũi, khó thở... là những triệu chứng nhiều người thường gặp, đặc biệt là vào mùa đông. Tuy không phải là bệnh lý phức tạp nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể gây viêm phế quản do thở bằng miệng, viêm xoang, biến dạng mũi, dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng nặng, bệnh do khối u, bệnh mãn tính hen suyễn...
Nguyên nhân của triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi
Quá trình thở bắt đầu trong mũi, không khí đi vào phổi qua mũi. Mũi giúp lọc không khí, làm ẩm, làm ấm hoặc làm mát không khí đi qua để không khí đi đến phổi được sạch sẽ. Lớp niêm mạc bao phủ khu vực bên trong mũi gồm nhiều tuyến sản xuất chất nhờn. Ngạt mũi là tình trạng mũi bị tắc nghẽn gây khó thở, do lớp niêm mạc của khoang mũi bị viêm, nề. Ngạt mũi cũng làm cho dịch nhầy mũi thoát ra ngoài khó khăn hơn, tích tụ lại, càng làm tình trạng ngạt mũi thêm nặng hơn.
Chảy mũi là tình trạng chảy một lượng dịch nhầy đáng kể từ hốc mũi. Đó là kết quả của việc sản xuất quá nhiều chất nhầy ở mũi, vượt quá khả năng xử lý của cơ thể. Chất nhầy trong mũi dư thừa dẫn đến chảy mũi ra từ cửa mũi trước hoặc chảy xuống cổ họng.
Thời tiết chuyển mùa, không khí khô hanh là điều kiện cho các bệnh viêm xoang, cảm cúm, cảm lạnh khởi phát cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi... Khi nhiệt độ ngoài trời chuyển sang lạnh, chất nhầy sẽ được tiết ra nhiều hơn để làm ẩm và làm ấm luồng không khí đi vào phổi cũng làm dẫn đến tình trạng sổ mũi như một cơ chế bảo vệ cơ thể.
Nếu triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi xuất hiện vài ngày rồi tự khỏi thì không có gì đáng ngại. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài hoặc để lâu không điều trị sẽ dẫn tới tình trạng viêm xoang mũi cấp tính, khó điều trị về sau. Ngoài ra, tình trạng này cũng liên quan đến nhiều bệnh lý, không ngoại trừ các căn bệnh ác tính. Điều đáng nói là tình trạng nghẹt mũi khó thở kéo dài khiến nhiều người khó chịu nhưng không phải ai cũng có ý thức thăm khám sớm bởi đây vẫn được coi là triệu chứng “xoàng xĩnh” không gây hại gì.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cho biết: “Giao mùa là thời điểm có sự thay đổi đột ngột về thời tiết. Lúc này, cơ thể con người chưa kịp thích ứng, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công. Thông thường, vi khuẩn gây bệnh thường sống ở mũi, họng, vật dụng gia đình như quần áo, chăn, chiếu... gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như trời trở lạnh, nơi ở ẩm thấp, cơ thể suy dinh dưỡng thì chúng gây bệnh ngạt mũi, viêm mũi, sổ mũi, viêm xoang...
Bệnh viêm mũi họng liên quan chặt chẽ với viêm tai giữa ở trẻ em và người lớn, viêm xoang, bệnh nhiễm khuẩn đường thở, có ảnh hưởng đặc biệt tới bệnh viêm phế quản, viêm phổi. Do đó, chúng ta không nên coi thường khi ngạt mũi kéo dài, cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân”.
Tránh lạm dụng thuốc trị ngạt mũi
Trên thị trường, có nhiều loại thuốc giúp giảm triệu chứng ngạt mũi. Tuy thuốc mang lại hiệu quả nhưng người dùng cần hiểu rõ về các tác dụng phụ và hạn chế của thuốc. Xịt nhỏ mũi khiến đường thở thông thoáng, dễ chịu nên nhiều người sử dụng thuốc nhỏ mũi kéo dài dẫn đến gây tổn thương niêm mạc mũi, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, phế quản, phổi...
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dinh chia sẻ, đã từng khám cho rất nhiều người bị biến chứng do dùng thuốc nhỏ mũi kéo dài, thường là các loại thuốc có tác dụng co mạch. Hầu hết các bệnh nhân tự ý sử dụng hoặc sử dụng đơn thuốc cũ trong thời gian kéo dài từ nhiều tháng đến vài năm.
"Những thuốc này có tác dụng co mạch, khi nhỏ hoặc xịt vào mũi, thuốc có tác dụng làm co mạch máu ở niêm mạc mũi, giảm xung huyết làm cho mũi thông thoáng, dễ thở nên rất nhiều người đã tự ý tìm đến loại thuốc này", PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dinh nhấn mạnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên, kéo dài, không chỉ dẫn tới tình trạng lệ thuộc vào thuốc mà còn khiến cuốn mũi giãn nở to liên tục, không còn co lại được, gây ra hiện tượng viêm mũi. Trong trường hợp đó phải phẫu thuật đốt cuốn mũi dưới bằng điện hoặc bằng laser, cắt bỏ cuốn dưới một phần hoặc toàn bộ mới có kết quả.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc co mạch kéo dài còn dẫn tới béo phì, ảnh hưởng tới tim mạch, đặc biệt bệnh cao huyết áp, viêm xoang, viêm tai giữa, đau đầu, thậm chí còn có nguy cơ ảnh hưởng tới tim mạch, huyết áp và trí tuệ. Loại thuốc này cũng rất nguy hiểm khi lạm dụng dùng cho trẻ dưới 3 tuổi. Vì vậy, để tránh các tai biến do ngộ độc, không nên cho trẻ dưới 7 tuổi dùng thuốc này. Ngoài ra, các bậc cha mẹ không nên tự mua thuốc để điều trị. Việc sử dụng thuốc cần được thực hiện đúng cách và theo chỉ định của bác sĩ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.