Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ thiếu nhân văn!

Dục Tú| 11/05/2015 05:48

(HNM) - Ít ngày qua, một trong những sự kiện được giới trẻ quan tâm là sự ra đi của người mẫu, diễn viên Duy Nhân. Một người trẻ mới ở chặng đầu của sự nghiệp, chưa hẳn tạo được dấu ấn nghệ thuật nổi bật nhưng bỗng nổi như cồn sau khi thần chết cướp anh đi.


Lịch sử nghệ thuật Việt Nam và thế giới ghi nhận những sự ra đi của nghệ sĩ, diễn viên nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Ở Việt Nam là trường hợp của nghệ sĩ cải lương Thanh Nga, diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh… Trên thế giới thì có nam diễn viên Paul Walker - người thủ vai chính trong series phim "Fast & Furious" (Nhanh và nguy hiểm), nữ diễn viên Marilyn Monroe… Mỗi người một vẻ, là "sao" lớn hay mới nổi nhưng điểm chung là sự ra đi của họ được truyền thông và dư luận quan tâm, tạo ra hiệu ứng xã hội ở những mức độ khác nhau, nhìn chung là không gây hại. Tuy vậy, nhìn lại "lịch sử" của "những lần ra đi gây dư luận", có thể thấy sự khác trong cách thể hiện sự quan tâm của nhiều người. Ở Việt Nam, trước đây, người nổi tiếng mất đi và được tưởng nhớ, ghi nhận bằng những đám tang yên bình, nơi chỉ thấy sự chia sẻ, thái độ cảm thông và ý muốn tôn vinh thành công của người đã khuất. Còn giờ đây, đám tang của người này có thể trở thành "ngày hội nghe - nhìn" của kẻ khác, những người đã vô tình khiến gia quyến người chết phải chịu đựng sự mệt mỏi ngoài nỗi đau mất người thân.

Ngày cuối tuần qua, nhìn hình ảnh đám đông chen lấn để được chứng kiến tang lễ Duy Nhân, xem vô số bài viết trên mạng về anh và người vợ trẻ, thật khó phản bác nhận xét của ai đó về cái gọi là "những kẻ cơ hội kiếm chác trên nỗi đau của người khác". Chuyện tế nhị, những thông tin không phù hợp bàn về "bước nữa" của vợ Duy Nhân ngay trong ngày chị tiễn đưa chồng được tung ra "không thương tiếc". Người ta xô đẩy tìm chỗ đứng thuận lợi, không hẳn để theo dõi đám tang mà là để ngắm những nghệ sĩ đến đưa tang và chụp ảnh họ. Thật bất nhã! Thật đáng xấu hổ!

Tiễn biệt một chàng trai trẻ đoản mệnh, chúng ta có thể phải khóc cho vài người còn sống có mặt tại lễ tang Duy Nhân, những người đã vô tư thể hiện một kiểu ứng xử kỳ quặc. Và khóc cho những ai đã góp một tay "thổi phồng" sự kiện này, khai thác đến cạn kiệt hình ảnh Duy Nhân vì động cơ cá nhân, gián tiếp gây bức xúc vì làm phiền người đã khuất cũng như gia đình và người thân của anh.

Thói xấu, sự vô cảm, những hành vi ứng xử kém cỏi, xa lạ với nền tảng đạo đức được xã hội thừa nhận đang diễn ra ngày một thường xuyên. Điều đáng chú ý là trong nhiều trường hợp, như với đám tang của Duy Nhân, chúng ta không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay giải pháp "cứng" để can thiệp, mà phải trông chờ vào sự tự thay đổi ý thức ở một nhóm người dưới tác động phù hợp của truyền thông và dư luận xã hội. Về điểm này, hiện tại, liệu có đúng là chúng ta chỉ có thể đưa ra "lời đề nghị" rằng các trang mạng cần thay đổi cách thức thông tin và tỏ ra đạo đức, văn minh?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ thiếu nhân văn!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.