(HNM) - Bộ NN& PTNT được Chính phủ giao soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, PCLB. Dự thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ và nhân dân Thủ đô...
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Trọng Hiếu (TT Quốc Oai, huyện Quốc Oai): Khó nhất là khâu khắc phục hậu quả
Đáng chú ý là trong dự thảo, mức phạt đối với tất cả các hành vi vi phạm (HVVP) đều tăng gấp 2-3 lần so với các nghị định xử phạt hành chính trước đây. Đơn cử, hành vi nổ, phá gây nguy hại đến thân đê sẽ bị phạt 30- 50 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 15-20 triệu đồng). Ngoài ra, dự thảo cũng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho chủ tịch UBND các cấp, cán bộ thực thi nhiệm vụ và thủ trưởng các ngành chức năng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh KT&BV CTTL diễn biến rất phức tạp; đối tượng vi phạm thường tranh thủ ngày nghỉ, ngày lễ, tết, đêm để đổ trộm đất phế thải, xây công trình trên thân đê, hệ thống thủy lợi, vì vậy các vụ vi phạm bắt quả tang ít, chủ yếu vi phạm xảy ra rồi mới phát hiện, dẫn đến việc xử lý rất khó. Theo tôi, để xử lý hiệu quả các HVVP, dự thảo cần bổ sung nội dung kinh phí tổ chức thực hiện khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra. Bởi hiện nay, do thiếu kinh phí khắc phục hậu quả nên không ít địa phương "đành" để vi phạm tồn tại…
Anh Đỗ Văn Thanh (xã Cao Viên, Thanh Oai): Cần có mức xử phạt đối với cán bộ không làm tròn chức trách, nhiệm vụ
Rất nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi và PCLB đang tồn tại, nhưng chưa được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiên quyết xử lý triệt để. Do ngại va chạm, né tránh nên không ít vị lãnh đạo chủ chốt cấp xã, phường đã làm ngơ, mặc cho vi phạm tồn tại kéo dài, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng trong Dự thảo không quy định hình thức, mức phạt đối với người có trách nhiệm không thực hiện, hoặc thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi và PCLB. Theo tôi, dự thảo nên bổ sung hình thức, mức phạt đối với chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn; thủ trưởng các ngành chức năng có trách nhiệm quản lý nhà nước về các lĩnh vực nêu trên nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn mà chậm phát hiện, không xử lý dứt điểm vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Hải (xã An Thượng, Hoài Đức): Mức phạt thấp, người dân chấp nhận phạt để tồn tại
Nhiều con sông trên địa bàn Hà Nội như sông Đáy, sông Tích… người dân sử dụng để thả rau muống bè, cắm đăng đó, được quây lưới để thả vịt…, gây cản trở dòng chảy nghiêm trọng. Tuy nhiên, do ý thức chấp hành pháp luật của người dân hạn chế, việc xử lý chưa nghiêm nên nhiều vi phạm tồn tại. Khoản 1, Điều 5, Chương II Dự thảo quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 250-500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: Ngâm tre, nứa, lá, gỗ, cắm đăng đó, vó bè, trồng rau, thả bèo hoặc tạo các vật cản khác gây cản trở dòng chảy... Với mức phạt trên, tôi e rằng chưa đủ tính răn đe. Theo tôi, mức phạt đối với các hành vi này quá thấp, cần điều chỉnh tăng gấp đôi, gấp ba so với mức dự thảo. Đồng thời, cần quy định thêm mức phạt nếu các tổ chức, cá nhân cố tình tái phạm.
Ông Đỗ Lý, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc La (Hà Đông): Không phải cứ phạt là xong
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm vi phạm trong lĩnh vực KT&BVCTTL, đê điều và PCLB, UBND cấp xã, phường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, không vi phạm và phối hợp với chính quyền trong việc phát hiện, phản ánh vi phạm. Đối với vi phạm bị bắt quả tang khi đang đổ đất, phế thải xuống bờ sông, để VLXD, dựng lều lán nhỏ trên đê… việc xử lý hành chính, khắc phục hậu quả sẽ đơn giản. Tuy nhiên, đối với những hành vi vi phạm gây hậu quả lớn, bị phạt tiền, nhưng tang vật, phương tiện vi phạm bị thu giữ có giá trị nhỏ, người vi phạm sẽ "bỏ của chạy lấy người", không chịu nộp phạt, chây ỳ không chịu khắc phục hậu quả… Đây là vấn đề khó khăn cho UBND cấp xã, phường do thiếu chế tài "cưỡng chế", buộc người vi phạm thực hiện nghĩa vụ.
Bà Kiều Thanh (Bộ Y tế): Phạt nặng hơn hành vi chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích tiền, hàng cứu trợ...
Trong công tác PCLB, việc chuyển tiền, hàng cứu trợ để kịp thời giúp đỡ người dân vùng lũ là nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng "thương người như thể thương thân" của người Việt Nam. Tuy nhiên, có đôi lúc, nghĩa cử này đã bị một số cá nhân, tổ chức thờ ơ, thiếu trách nhiệm, quá chậm trễ trong việc cứu trợ, hoặc vô cảm trước sự mất mát của người dân vùng lũ mà chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích tiền, hàng cứu trợ… Dự thảo nghị định đã tăng mức xử phạt cao nhất lên đến 50 triệu đồng. Nhưng theo tôi, mức phạt còn nhẹ. Bởi hành vi chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ cũng là hành vi tham nhũng, không những thế còn gây hậu quả nghiêm trọng vì đã "cắt" đi "phao cứu sinh" của những người đang trong nguy khốn. Vì vậy, dự thảo nghị định cần phải nâng mức xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi thiếu trách nhiệm, chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích tiền, hàng cứu trợ từ 2-3 lần mức trên mới có tác dụng răn đe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.