Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ là hoạt động dã ngoại

Việt Tuấn| 28/08/2011 06:32

(HNM) - Theo thống kê của TƯ Đoàn, năm 2011, tổ chức đoàn, đơn vị quân đội và cả doanh nghiệp đã tổ chức 150 lớp học kỳ quân đội (HKQĐ) thu hút hơn 12 nghìn học sinh THCS và THPT tham gia.

Hiệu ứng tốt của HKQĐ đã rõ, đó là thanh, thiếu nhi trải nghiệm cuộc sống người lính, từ đó tăng thêm lòng yêu nước, xác định trách nhiệm của bản thân, nhưng việc "trăm hoa đua nở" các lớp HKQĐ khiến nhiều đơn vị tổ chức, phụ huynh băn khoăn rằng nếu không có một khung chuẩn thì mô hình này liệu có bền vững trong tương lai?

Học kỳ quân đội giúp học viên rèn luyện các kỹ năng sống.

Đừng lầm tưởng là trại hè

Mô hình HKQĐ xuất phát từ nhu cầu thực tế tại khu vực phía Nam và được Trung tâm thanh, thiếu nhi miền Nam tổ chức thí điểm với 84 học viên vào năm 2008. Chương trình đã có ảnh hưởng và tác động rất tích cực đến các bậc phụ huynh, dư luận xã hội về phương pháp giáo dục kỹ năng, đạo đức, lối sống kết hợp với giáo dục chính trị quân sự. Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ lớp thí điểm, năm 2009, TƯ Đoàn đã đầu tư kinh phí chỉ đạo 3 trung tâm thanh, thiếu nhi Bắc, Trung, Nam phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tổ chức lớp HKQĐ cho học sinh THCS và THPT. Tháng 3-2010, TƯ Đoàn đã tập huấn và chính thức chuyển giao mô hình HKQĐ và chỉ đạo nhân rộng trong toàn quốc với yêu cầu hằng năm, mỗi tỉnh, thành đoàn tổ chức từ một đến hai lớp vào dịp hè. Nếu như việc khung chương trình chuẩn, được sự thống nhất từ TƯ đến cơ sở thì mô hình sẽ là "hot" nhất cho các học sinh và sự yên lòng đối với phụ huynh. Tuy nhiên cho đến nay, dù đã tổ chức được hơn 150 lớp với hàng nghìn học sinh tham gia, nhưng khung chương trình vẫn chưa được TƯ Đoàn, Bộ Quốc phòng, Bộ GD-ĐT thống nhất. Chị Nguyễn Tuyết Nhung, đại diện phụ huynh học sinh cho rằng, nói đến quân đội thì nội dung phải gắn liền với nhà binh, các môn học giáo dục truyền thống cách mạng, quân đội. Có nghĩa là phải gắn liền với truyền thống của dân tộc chứ không phải là các nước khác, chứ nếu như đưa cả nội dung té nước, lễ hội buộc chỉ… của một số quốc gia khác như đã có đơn vị tổ chức thì có

lẽ đó chỉ là chương trình của trại hè xanh, dã ngoại bình thường… Chương trình HKQĐ thực sự có nghĩa khi học sinh được rèn luyện, trưởng thành qua những ngày ăn, ở, học tập, huấn luyện đúng như trong môi trường quân đội.

Khung chuẩn để giữ "thương hiệu" HKQĐ

Đại tá Phạm Hồng Kỳ, Phó cục trưởng Cục Dân quân tự vệ (Bộ Quốc phòng) - cơ quan thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng TƯ cho rằng, trước hết phải thống nhất khái niệm thế nào là HKQĐ? Đây phải là hoạt động có quân đội phối hợp cùng thực hiện, nội dung phải có chương trình giáo dục quốc phòng. Nhiều đơn vị có cách thu hút các học sinh tham gia bằng hình thức khác nhau, nhưng nội dung phải bám sát chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên do Bộ GD-ĐT ban hành, vì đây đều là đối tượng học sinh. Chính vì thế, TƯ Đoàn, Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT sớm xây dựng khung chương trình HKQĐ chuẩn và có văn bản ký kết trong giai đoạn 2012-2016.

Giai đoạn 2008-2010, mô hình HKQĐ vẫn ở phạm vi hẹp, nhưng đến năm 2011, hiệu ứng xã hội của mô hình đã lớn, nhiều phụ huynh muốn gửi con tham gia lớp học đặc biệt này. Đây là hoạt động không thể thiếu ở các kỳ nghỉ hè, song hiện nay công tác tổ chức, quản lý thì lại đang đi sau. Qua hơn 3 năm, giờ đây các cơ quan chức năng, mà cụ thể là TƯ Đoàn, Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT mới bàn đến chuyện quản lý ra sao? Chương trình thế nào? Đối tượng từ bao nhiêu đến bao nhiêu tuổi? Thời gian tổ chức, trang phục ra sao?... là điều quá muộn.

Cũng do không có hướng dẫn cụ thể, ông Bùi Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Du lịch thanh niên Việt Nam cho rằng, năm 2011, việc tổ chức lớp HKQĐ diễn ra lộn xộn, mạnh đơn vị nào thì đơn vị đó làm, mỗi nơi một cách thu phí khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Nếu không xây dựng được một khung chuẩn, thống nhất thì tới đây hoạt động này sẽ thành thương mại hóa chứ không phải vì mục đích cao cả rằng giúp các em trải nghiệm môi trường quân đội, giáo dục ý thức cho công dân trẻ tuổi tình yêu đất nước, yêu quân đội và thấy rõ trách nhiệm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo ông Khải, cần thiết phải có một cấp quản lý rõ ràng, đối tượng, độ tuổi phải có khung phù hợp, các nhà quản lý phải đầu tư "chất xám" cho khung chương trình. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn trên dưới 10 ngày, thì cũng không tham vọng là học sinh biết mọi thứ trong quân đội, mà cốt lõi là hiểu, thấy rõ môi trường quân đội và ý thức bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là hoạt động dã ngoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.