(HNM) - Trong đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô, các cụm công nghiệp (CCN) có vị trí ngày càng quan trọng. Không chỉ là điểm đến của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, CCN còn góp phần giảm sức ép về mặt bằng sản xuất cho nhiều làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên, sự phát triển của các CCN cũng bộc lộ nhiều bất cập, trong đó vấn đề môi trường đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi có CCN "trú chân". Nhưng để xử lý triệt để vấn nạn môi trường thì trước hết phải giải quyết dứt điểm những ì trệ liên quan đến sự phát triển của CCN.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến những bất cập trong tiến trình phát triển của các CCN (thiếu hệ thống xử lý rác - nước thải, chất thải; sử dụng sai mục đích; người dân sở tại muốn thuê mặt bằng gặp nhiều trở ngại…) xuất phát từ cơ chế, chính sách hiện hành. Cụ thể: Việc quản lý CCN hiện nay thực hiện theo Quy chế quản lý CCN được ban hành theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg (ngày 19-8-2009) của Thủ tướng Chính phủ.
Sau gần 7 năm thực hiện, quy chế này không còn phù hợp với thực tế. Quy chế không có quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển CCN, bao gồm: Ưu đãi đầu tư vào CCN, hỗ trợ hạ tầng CCN; tiêu chí, điều kiện, thủ tục thẩm định phê duyệt… kèm theo biểu mẫu hướng dẫn chưa cụ thể, chặt chẽ. Đặc biệt, việc có quá nhiều mô hình quản lý CCN (doanh nghiệp đầu tư quản lý, Trung tâm phát triển CCN, UBND quận, huyện, thị xã quản lý…) cũng tạo ra độ “vênh” trong việc triển khai thực hiện các chính sách quản lý, xây dựng, phát triển CCN. Do đó, sửa đổi cơ chế, chính sách cần được xem là giải pháp căn bản để tăng cường công tác quản lý, tạo điều kiện cho các CCN thực hiện đúng chức năng.
Với Hà Nội, để giải quyết những bất cập, vướng mắc trong phát triển CCN, nhất là CCN làng nghề, thành phố cần thống nhất tiêu chí theo hướng những doanh nghiệp cần diện tích lớn, hạ tầng hiện đại phải được cho thuê đất tại các khu công nghiệp và CCN dành cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề. Cùng với đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước trong việc đầu tư hạ tầng CCN làng nghề. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đền bù; xác định trách nhiệm đầu tư điện vào CCN nhằm giảm suất đầu tư; hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp bằng với doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp.
Mặt khác, cần tách bạch hai thành phần là CCN và CCN làng nghề. Với các địa phương muốn phát triển doanh nghiệp, thu hút lao động, có thể giữ nguyên các chính sách hỗ trợ như hiện nay. Nhưng với CCN làng nghề cần một cách ứng xử khác, từ lựa chọn hình thức hỗ trợ đến phương thức đầu tư sao cho đủ sức hấp dẫn, gọn nhẹ và tập trung... Đồng thời, thành phố cần có biện pháp ngăn chặn các trường hợp chuyển nhượng đất đai trái phép, sử dụng đất sai mục đích; kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp cố tình vi phạm…
Khi những bất cập liên quan đến “phần gốc” được giải quyết thì việc xử lý vấn đề môi trường tại các CCN sẽ đỡ "căng thẳng" hơn. Đặc biệt là tới đây, thành phố có chủ trương hỗ trợ 100% vốn từ ngân sách cho đầu tư xử lý môi trường tại các CCN thì vấn nạn ô nhiễm sẽ có hướng xử lý căn cơ hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.