(HNM) - Trước những bức xúc của dư luận về các trạm cấp nước (TCN) mà Báo Hànộimới đã phản ánh, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và địa phương kiểm tra, lên kế hoạch đưa 16 TCN khu vực ngoại thành đã đầu tư gần trăm tỷ đồng tái hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nếu thiếu sự quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chắc chắn các TCN này vẫn cứ… "đắp chiếu".
Nhiều trạm cấp nước ở ngoại thành đã bị bỏ hoang. |
Không chỉ vướng thủ tục
Báo cáo về kết quả kiểm tra, rà soát thực trạng 16 TCN chưa hoạt động trên địa bàn nông thôn TP Hà Nội của Sở NN&PTNT rất đáng phải suy nghĩ. Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hầu hết các TCN đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải, do đó có trạm vừa "khai sinh" đã đứng trước nguy cơ "khai tử", gây lãng phí tiền của. Một số công trình xây dựng xong nhưng không đưa vào hoạt động nay xuống cấp nghiêm trọng. Cũng có công trình xây dựng dở dang, đến nay khởi động lại vấp phải những vướng mắc về thủ tục hành chính không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều, như TCN thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), TCN xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức)...
Ông Lưu Hữu Đức, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng Viwaseen phàn nàn, công ty đã hoàn thiện 40 loại thủ tục, giấy tờ liên quan đến dự án cấp nước tại xã Dương Liễu, thế nhưng chưa thể triển khai được vì lãnh đạo xã này cho rằng không phù hợp với quy hoạch. Hiện, xã Dương Liễu đã quy hoạch dự án khác chồng lên dự án cấp nước sạch hiện công ty đang triển khai. Với TCN thị trấn Phùng (Đan Phượng) còn khó khăn hơn. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, hiện chủ đầu tư thi công TCN tại thị trấn Phùng phải làm "chui" vì thủ tục chuyển chủ đầu tư quá rườm rà. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, vướng mắc về thủ tục hành chính chủ yếu từ phía các sở, ngành có liên quan, còn huyện sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để sớm đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân địa phương. Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Tường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CPĐT nước sạch và môi trường Hùng Thành cho biết, hiện công ty tự bỏ tiền ra để đầu tư xây dựng TCN thị trấn Phùng. Các doanh nghiệp mong mỏi các sở, ngành liên quan cần thông thoáng hơn trong giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các chính sách đi vào cuộc sống. Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai phàn nàn, kể từ khi nhận chuyển giao làm chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước thị trấn Chúc Sơn vào tháng 7-2010, để thực hiện các giao ước với chính quyền địa phương, Công ty đã bỏ ra gần 3 tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp một số hạng mục như thổi lại các giếng khoan, nâng cấp bể lọc, bể chứa, lắp đặt đường ống... Nay nguồn nước kéo đến cửa nhà dân, nhưng nhiều hộ chưa mặn mà ký hợp đồng mua nước.
Hệ thống bể lọc của nhiều trạm cấp nước đã xuống cấp nghiêm trọng. |
Vấn đề "nóng" quản lý sau đầu tư
Tại hội nghị bàn giải pháp làm "sống lại" 16 TCN diễn ra ngày 20-4, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết, việc giải quyết các thủ tục hành chính phải tránh chồng chéo, các sở, ngành nên có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong đó Sở NN&PTNT là đầu mối tiếp nhận đầu tư dự án xây dựng TCN ở các địa phương. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng cho rằng, TP thống nhất chủ trương tiếp tục cải tạo, nâng cấp, tu sửa và mở rộng quy mô các TCN nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân theo phương châm xã hội hóa. Theo đó, TP ưu tiên cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm trong quản lý, khai thác công trình cung cấp nước sạch vào tiếp nhận. Đối với doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các TCN tập trung phải thực hiện đồng bộ với công nghệ hiện đại, chất lượng nước đầu ra phải bảo đảm tiêu chuẩn, đủ lượng nước cấp cho dân. Nguồn vốn đầu tư sẽ được thực hiện theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn. Để đẩy nhanh tiến độ làm "sống lại" các TCN hiện có, các sở, ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, tập trung tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Sở Tài chính có trách nhiệm giúp các địa phương, doanh nghiệp sớm tháo gỡ triệt để những vướng mắc trong việc định giá tài sản hiện có tại các TCN trước khi chuyển giao cho chủ đầu tư mới.
Có thể nói, việc làm "sống lại" 16 TCN trong lúc nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng cấp thiết là việc cần làm. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục đầu tư bằng ngân sách nhà nước như trước đây mà không tính đến việc quản lý sau đầu tư thì không thể pháp huy hiệu quả của công trình. Do đó, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, rất cần sự quan tâm của các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong xã hội hóa đầu tư xây dựng TCN tập trung.
Theo Quyết định 131, các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án, công trình cấp nước nông thôn được hưởng mức hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo tổng dự toán của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Không quá 45% đối với vùng thị trấn, thị tứ; không quá 60% đối với vùng đồng bằng, vùng duyên hải; không quá 75% đối với các vùng nông thôn khác; không quá 90% đối với các xã đặc biệt khó khăn... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.