Để nguồn vốn đến được với doanh nghiệp, không chỉ cần sự nỗ lực của doanh nghiệp hay ngân hàng mà cần sự đồng bộ của các chính sách khác.
Theo các chuyên gia, đại diện ngân hàng cũng như doanh nghiệp, giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn chính là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển chuỗi giá trị, cải tổ các quỹ bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương…
Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank (WB) tại Việt Nam Ketut Ariadi Kusuma:
Cần các chính sách kích thích tổng cầu
Mức độ hấp thụ vốn thấp, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm như hiện nay là do sức cầu yếu, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái khiến hoạt động thương mại yếu kém và ảnh hưởng xấu đến sản xuất trong nước. Sản xuất trong nước chậm lại, gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập và tiêu dùng. Để cải thiện vấn đề này cần các chính sách kích thích tổng cầu, thông qua các công cụ chính sách tài khóa mở rộng hơn.
Tôi cũng lưu ý, với môi trường sức cầu còn yếu, các giải pháp từ phía cung, thông qua chính sách tiền tệ (như lãi suất thấp hơn), có thể gặp phải giới hạn và có một vài nguy cơ như: Lãi suất trong nước giảm trong khi môi trường lãi suất toàn cầu cao, đồng nghĩa với chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các nước sẽ cao hơn và có thể gây áp lực cao hơn đối với tiền tệ (đồng Việt Nam).
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam:
Ngân hàng và doanh nghiệp đang đứng chung thuyền
Trên thực tế, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Phía ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng được ưu tiên áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay không đáp ứng được các điều kiện trên, bởi có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác... nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng. Thực tế, tất cả các ngân hàng đều đang có những giải pháp hết sức hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp, bởi ngân hàng và doanh nghiệp đang đứng chung thuyền.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phùng Thị Bình:
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn
Agribank đã có 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm. Điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn.
Thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô 25.000 tỷ đồng...
Đặc biệt, để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, ngân hàng chuẩn hóa quy trình, giảm thiểu thủ tục và thời gian xét duyệt khoản vay. Ngân hàng đẩy mạnh các kênh truyền thông để các thông tin về các chương trình cho vay ưu đãi đến được với rộng khắp doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.