(HNMO) - Chiều 15-3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”. Tham dự có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp…
Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa) thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này để hỗ trợ chi phí vay vốn cho khách hàng (hiện còn 5%/năm).
Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng đặc thù với từng ngành, lĩnh vực cũng được triển khai, trong đó, với đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng có nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu...
Bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 14-17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế.
Về phía ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Phương thông tin, BIDV có tỷ lệ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa lên đến 24% tổng dư nợ, tương ứng 329 nghìn tỷ đồng trên tổng số 1,5 triệu tỷ đồng.
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Nguyễn Quang Hùng cũng cho hay, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa của Agribank là hơn 325 nghìn tỷ đồng, với hơn 20.000 khách hàng (chiếm tỷ lệ 80,64% dư nợ khách hàng pháp nhân).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh, khó tiếp cận vốn ngân hàng. Mặc dù từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn, nên khó tiếp cận vốn vay mới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đối mặt với hàng tồn kho; bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh nên các phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, nên khó huy động vốn.
Để doanh nghiệp và ngân hàng “gặp nhau”
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước hạ các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu không có đột phá về thể chế, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp khó.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (chuyên về xuất khẩu gạo) cho rằng, để ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau, ngân hàng cần đưa ra chuẩn cho vay phù hợp, chẳng hạn với ngành nông sản thường mang tính chất thời vụ nên nhiều khi gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn.
Về phía ngân hàng, Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương cho biết, BIDV có cách quản lý sáng tạo từ dư nợ lớn đến từng khoản vay nhỏ. BIDV áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn 5%/năm cho các đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên. Thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục chủ động triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn.
Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Quang Hùng chia sẻ, Agribank tập trung cho doanh nghiệp trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn vay theo đúng định hướng của Chính phủ. Agribank sẽ nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm cho vay để đồng hành với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành ngân hàng tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn...
"Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.