Nhân dịp đảng bộ tổng công ty tổ chức tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), anh chị em được dịp bàn luận về vấn đề mà cả xã hội đang bức xúc.
Ông H. vào chuyện: Cứ nghe báo cáo của cơ quan chức năng thì mừng thật, vì một năm Việt Nam chỉ có vài chục vụ tham nhũng bị truy tố, phát hiện. Nhưng đáng tiếc, căn bệnh tham nhũng lại đang len lỏi vào mọi ngóc ngách. Đơn cử như, ở một trường tiểu học giữa Thủ đô, học sinh vào lớp một phải thi đầu vào, vì chỉ tiêu được tuyển chỉ có 400 học sinh, nhưng số hồ sơ nộp gấp mấy lần. Biết con thi đấu "tay bo" thì khó mà thắng bạn, nên việc đầu tiên nhiều bậc phụ huynh nghĩ tới là tìm xem có ai quen không, sau đó tính đến chuyện quà cáp, biếu xén để con mình được "đậu", thế là tạo cơ hội cho tham nhũng..
Tiếp lời ông H., chị T. nói: Chuyện đó thật dễ hiểu, bởi các cụ xưa từng dạy "quan tham vì dân dại", nhưng chưa bằng câu chuyện của cháu tôi. Hôm vừa rồi nó đến xin ý kiến về chuyện ly hôn, chưa biết trách nhiệm và quyền lợi của mình pháp luật quy định như thế nào mà cứ khăng khăng "dù phải bán nhà cháu cũng phải giành quyền nuôi con Bống…". Cơ chế "xin - cho", "chạy chọt" xem ra không chỉ phổ biến ở cơ quan công quyền, mà đã ngấm sâu vào cuộc sống. Chính cơ chế này tạo cơ hội cho tham nhũng phát triển. Suy cho cùng, tham nhũng là căn bệnh của bộ máy công quyền, nó gắn liền với quyền lực và "phát bệnh" khi có ai đó dùng vị trí công tác của mình để phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Lắng nghe chuyện từ đầu, ông K. lên tiếng: Ai cũng bức xúc, nhưng chỉ biết phê bình cấp này, nơi nọ "chưa triệt để đấu tranh và phòng, chống" mà không biết rằng mỗi người đều phải có trách nhiệm. Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh PCTN như tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch… Nhưng những giải pháp này khó có hiệu quả nếu như người dân vẫn đứng ngoài cuộc?
Cùng với PCTN phải chống lãng phí - đó mới là cách giải quyết tận gốc, ông K. cho rằng: Tham nhũng ví như hạt ngô, thì lãng phí là bắp ngô. Cả xã hội chỉ biết bức xúc với tham nhũng, trong khi căn bệnh lãng phí đang diễn ra hằng ngày, ở khắp mọi nơi, ai cũng có thể cảm nhận được nhưng chưa có quyết tâm tẩy trừ. Đã đến lúc bản thân mỗi người phải tự nhận thức được trách nhiệm của chính mình. Nếu ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật, không tìm cách đưa hối lộ, thì không thể có chuyện tham nhũng. Nếu ai cũng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chắc chắn từng gia đình, cơ quan, đơn vị, rộng hơn là nhà nước sẽ tiết kiệm được nguồn lực to lớn để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.
Đi đến hồi kết, tất cả đều khẳng định, PCTN, lãng phí không chỉ là trách nhiệm của riêng mấy cán bộ, cơ quan chức năng, mà phải là của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.