Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không cần thiết hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên

Vân An| 09/06/2015 11:18

(HNMO) – Sáng 9/6, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).


Theo Chính phủ, tính tới ngày 15 tháng 5 năm 2015, theo số liệu được tổng hợp từ 42 báo cáo của Bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương, 58 báo cáo của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã có khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý cho dự luật. Bên cạnh đó, có hàng nghìn ý kiến độc lập từ cổng thông tin điện tử, hòm thư điện tử, trên báo chí hoặc được tổng hợp từ các cuộc tọa đàm, hội thảo diễn ra ở các ngành, các cấp.

Đa số ý kiến nhân dân cho rằng, dự thảo bộ luật được xây dựng công phu, cơ bản đã thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện các nghị quyết có liên quan của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền dân sự của con người, công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kế thừa các quy định còn phù hợp của pháp luật dân sự hiện hành, bảo vệ và phát triển được các giá trị văn hóa, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam trong giao lưu dân sự; những vấn đề bất cập, tồn tại phát sinh trong thực tiễn thi hành Bộ luật Dân sự, về cơ bản, đã được dự thảo bộ luật tính đến, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định phù hợp để khắc phục.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo bộ luật còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật văn bản, cũng như về nội dung các quy định cụ thể, cần phải được khắc phục để bảo đảm tính hiệu quả và tính ổn định lâu dài của Bộ luật Dân sự.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không tán thành việc hạn chế cách đặt tên


Về quyền nhân thân của cá nhân, trong đó có quyền đối với họ, tên, Chính phủ cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nội dung tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ và họ, tên của một người không được vượt quá số lượng chữ cái nhất định.

Lý do đưa ra là: việc đặt họ, tên, tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết để định hướng cho việc cá nhân thực hiện quyền này; thực tiễn thi hành pháp luật ở nước ta thời gian qua cho thấy, việc đặt họ, tên có nhiều trường hợp không phù hợp với tập quán, thuần phong mỹ tục của Việt Nam mà cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn phải đăng ký vì không có cơ sở pháp lý để từ chối; để bảo đảm tính đồng bộ với quy định có liên quan của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, theo đó người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam hoặc phải lấy lại tên gọi Việt Nam.

Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung nội dung nêu trên vào dự thảo bộ luật.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, quyền đối với họ, tên là một trong những quyền nhân thân cơ bản của cá nhân, do đó, dự thảo Bộ luật không nên quy định quá nhiều hạn chế đối với việc thực hiện quyền này.

Về vấn đề này, trong báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ ủng hộ việc hạn chế đặt tên gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, vì quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp.

Với quy định "Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái", Ủy ban pháp luật không tán thành và cho rằng quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết. Hơn nữa, việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc cho phép các em dưới 14 tuổi quyền được thay đổi tên và chữ đệm trong bất kỳ trường hợp nào. Bởi trẻ em dưới 14 tuổi là độ tuổi đang phát triển, chưa định hình về mặt tính cách, tâm lý. Hơn nữa, quy định này cũng không phù hợp với Luật Hộ tịch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không cần thiết hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.