Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không bán rẻ chữ ''liêm''

Trường Huy| 28/11/2022 06:21

(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích ngắn gọn: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, là liêm khiết, là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân. Người nhấn mạnh: “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, chữ “liêm” trong thực thi công vụ rất quan trọng. Đối với lực lượng thực thi và bảo vệ pháp luật (công an, thanh tra, kiểm toán, kiểm sát, tòa án), chữ “liêm” còn quan trọng hơn nhiều lần. Trong điều kiện Đảng ta đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vai trò của chữ “liêm” với lực lượng này càng quan trọng hơn nữa.

Quan trọng là bởi tính chất công việc của họ phải tìm ra chứng cứ, tìm ra sai phạm, để đưa ra ánh sáng những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố tình làm sai hoặc câu kết làm sai, chiếm đoạt tiền, tài sản của dân, của nước một cách tinh vi. Quan trọng là bởi chữ “liêm” giúp họ làm việc công minh chính trực, không “gắp lửa bỏ tay người”, xử lý đúng người, đúng tội, tránh oan sai. Bởi với họ, chữ “liêm” giống như “kim chỉ nam”, giúp giữ vững bản lĩnh, khí tiết, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, không bị mua chuộc, lôi kéo; không bị đồng tiền, vật chất đánh đổ danh dự, uy tín...

Về lý luận ai cũng hiểu như thế. Nhưng thực tế, trong lực lượng thực thi và bảo vệ pháp luật vẫn còn xuất hiện không ít những kẻ cơ hội, lợi dụng công vụ để đạt lợi ích cá nhân. Họ đã bỏ chữ “liêm” để đổi lấy vật chất bằng nhiều thủ đoạn, cách làm khác nhau. Người thì lợi dụng chức vụ, mối quan hệ để thông đồng làm việc phi pháp, thu lợi bất chính; kẻ thì dùng vị trí công tác, công việc và chứng cứ để đe dọa, tống tiền đối tượng tham nhũng, tiêu cực. Cũng không ít người lại tiếp tay, bảo kê cho đối tượng làm sai ngay từ đầu để trục lợi...

Vụ án xảy ra ở Thanh tra Bộ Xây dựng, một số vụ liên quan đến các tướng ngành Công an, Cảnh sát biển bị phạt tù thời gian qua vì tống tiền hoặc bao che, tiếp tay cho tội phạm đã cho thấy sự liêm khiết trong một số cơ quan này chưa được coi trọng. Hay gần đây, tháng 8-2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã phạt tù cựu Đại tá Phùng Anh Lê (nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ) và 3 thuộc cấp về tội “Nhận hối lộ”. Ngày 22-11 vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh khởi tố bị can với Võ Văn Đông, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hồ Chí Minh về tội “Buôn lậu”…

Có rất nhiều câu chuyện bán rẻ chữ “liêm” xảy ra trong lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật đã bị dư luận lên án. Bởi đây là hành vi xúc phạm niềm tin của nhân dân trắng trợn nhất. Để ngăn chặn hiện tượng này, vấn đề tiên quyết là phải bám sát chỉ đạo trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cụ thể là: “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật”.

Để làm tốt chỉ đạo này, cần xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục chữ “liêm”, củng cố đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị. Ngoài ra, quá trình sử dụng lực lượng trong thực thi công vụ phải ngăn chặn, chống các biểu hiện thông đồng, móc ngoặc.

Cũng là nhằm tránh cho lực lượng bảo vệ, thực thi pháp luật không bị sa ngã trước đồng tiền thì cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan phải gương mẫu về tinh thần tận tụy, tận tâm và liêm khiết. Luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải chịu trách nhiệm về cấp dưới bằng cách tự nguyện từ chức nếu để xảy ra tiêu cực trong thực thi công vụ.

Cần xây dựng cơ chế kiểm soát, dùng công nghệ thông tin để hạn chế tiếp xúc với đối tượng; giám sát hành vi, hành động của lực lượng thực thi, bảo vệ pháp luật nghiêm ngặt; ngăn chặn biểu hiện lợi dụng công vụ, chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”. Cùng với đó là triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực theo dõi, giám sát thường xuyên; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức.

Người đứng đầu các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị và cán bộ thuộc quyền. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cá nhân thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, định kỳ luân chuyển vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định. Lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, liêm khiết đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên.

Nếu không ngăn ngừa được hành vi bán rẻ chữ “liêm” trong lực lượng bảo vệ, thực thi pháp luật thì tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là cám dỗ từ “đạn bọc đường” sẽ rất khó kiểm soát và công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta sẽ bị ảnh hưởng, không đạt hiệu quả như mong mỏi của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không bán rẻ chữ ''liêm''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.