Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều đường dây sản xuất, kinh doanh thiết bị đánh bạc bịp được lực lượng Công an cả nước bóc gỡ thành công đã góp phần làm giảm nguồn cung trên thị trường.
Một số trang mạng vẫn công khai rao bán các loại thiết bị đánh bạc bịp và không ít đối tượng đã lợi dụng điều này để trục lợi. Với sự trợ giúp đắc lực của các thiết bị tinh vi này, phần thua thiệt sẽ thuộc về những con bạc khát nước.
Thiết bị đánh bạc bịp rao bán công khai trên mạng Internet
Chỉ cần một cú kích chuột giản đơn trên google, có thể dễ dàng truy cập vào các trang mạng rao bán thiết bị đánh cờ bạc bịp trên mạng Internet với những cái tên như “bán đồ cờ bạc bịp” hay “thiết bị đánh bạc bịp”…
Trên những trang web này, ngoài những lời quảng cáo đầy hấp dẫn về sự “kỳ diệu” của các loại thiết bị như có thể điều chỉnh các lá bài, quân xúc xắc mà không cần lật bài còn là những câu quảng cáo đầy hấp dẫn về tính năng của các loại thiết bị như nhỏ gọn, khó bị phát hiện hoặc có thể biết chính xác từng lá bài mà không cần lật. Cá biệt, một số trang web còn công khai hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị đánh bạc bịp với lời giới thiệu luôn giúp người chơi thắng cuộc.
Tận mắt được nhìn các thiết bị đánh bạc bịp gồm bộ bài áp tròng, kính áp tròng; bài mã vạch, máy điện thoại điều chỉnh từ; bộ quân từ, điện thoại, bê, thảm; quân vị, đĩa gắn từ; nam châm kẹp, quân bài kẹp; thuốc lá tẩm hóa chất; tờ tiền Việt Nam mệnh giá 100.000 đồng nhiễm từ… do Đội điều tra tổng hợp (ĐTTH) Công an quận Hoàng Mai thu giữ; rồi được nghe Phạm Đức Điệp (23 tuổi, trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), một trong những mắt xích tiêu thụ thiết bị đánh bạc bịp, tường thuật lại những kinh nghiệm sử dụng, chúng tôi thấy rõ hơn sự tinh vi của các đối tượng sản xuất.
Với những thiết bị được thiết kế một cách tinh xảo như vậy, khi các đối tượng sử dụng, các con bạc khát nước chắc chắn sẽ nắm phần thua trong tay. Điển hình như bộ kính áp tròng, chỉ cần đeo kính vào, người chơi có thể nhìn thấy mặt sau của quân bài, xác định chính xác đó là lá bài gì. Những thiết bị này được rao bán trên thị trường với giá khoảng vài triệu đồng. Hay những chiếc bát được gắn camera, chiếc ví hoặc áo sơ mi được thiết kế riêng để khi đối tượng đưa quân bài vào, có thể tự tráo đổi…
Kẻ sản xuất và thiết kế các thiết bị đánh bạc bịp này từng là sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa, đối tượng Triệu Văn Úc (22 tuổi, địa chỉ số 8, khu tập thể Xây Lắp, ngõ 194 Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Úc tự sản xuất các thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc bịp tại nhà riêng của anh ta ở số 8 khu tập thể Xây Lắp. Những thiết bị ban đầu được nhập khẩu từ Trung Quốc về, sau đó Úc sẽ thiết kế thêm các tính năng để làm hài lòng người mua với các sản phẩm như áo đổi bài, ví đổi bài, tẩm hóa chất vào các bao thuốc lá để làm quân vị, tiền kẹp chip, mũ từ, bài mẫu tử…
Sau đó, Úc đăng lên mạng các loại sản phẩm của mình và tự giao dịch mua bán với các khách hàng. Vào thời điểm Đội ĐTTH Công an quận Hoàng Mai phối hợp cùng Công an quận Thanh Xuân tiến hành kiểm tra hành chính ngôi nhà số 8, khu tập thể Xây Lắp, phát hiện tại tầng 1, 2, 3 của ngôi nhà có các dụng cụ dùng để sản xuất các phương tiện gian lận trong đánh bạc và các dụng cụ gian lận trong việc đánh bạc. Cơ quan Công an đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số dụng cụ trên.
Qua kiểm kê số lượng các loại dụng cụ đã thu giữ là 885 chiếc, trong đó các bộ bài đối tượng sử dụng cho việc gian lận: 495 bộ bài. Mỗi bộ có giá bán từ 55.000 đồng đến 90.000 đồng tùy từng loại; điện thoại di động 29 cái, mỗi cái điện thoại có giá bán từ 1.500.000 đồng đến 8.500.000 đồng tùy từng loại; áo, ví đổi bài: 16 cái có giá 1.200.000 đồng một bộ; bao thuốc tẩm hóa chất: 33 bao có giá 250.000 đồng một bao… Để sản xuất các thiết bị này, Úc đi mua các loại nguyên liệu, hóa chất từ nhiều nguồn khác nhau. Sau đó, Úc mang về nhà, gia công sản xuất. Đối tượng này còn đặt thuê người may áo theo thiết kế của anh ta, sau đó mua các loại mô tơ về lắp vào áo rồi dán keo lại.
Đối với các loại quân vị, Úc mua các loại bột hóa chất, sau đó mài mạt nam châm rồi cho vào hóa chất để nam châm đổi mầu. Úc tách vỏ bao thuốc ra rồi bôi mạt nam châm vào sau đó dán vỏ lại như bình thường…. Úc bán các loại dụng cụ hưởng chênh lệch từ 30.000 đến 2.500.000 đồng cho mỗi loại sản phẩm.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung úy Trần Tuấn Nghĩa, cán bộ Đội ĐTTH Công an quận Hoàng Mai cho biết: Điều đáng lo ngại nhất là các thiết bị, đồ dùng phục vụ để gian lận trong đánh bạc có các bộ bài, bao thuốc lá có tẩm hóa chất, nghi ngờ là các chất phóng xạ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng đối với những người tiếp xúc trực tiếp. Hiện nay, Đội ĐTTH đã trao đổi cùng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tiến hành đo lượng phóng xạ tại nơi lưu giữ hàng hóa cũng như trong các dụng cụ thu giữ.
Các thiết bị đánh bạc bịp bị thu giữ tại Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội. |
Kết quả hai cơ quan trả lời không có phóng xạ tại nơi lưu giữ hàng hóa và các dụng cụ thu giữ. Tuy nhiên cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và cán bộ Cục Kỹ thuật hình sự đã trao đổi cần thiết phải tiến hành giám định các bộ bài, dụng cụ gian lận đánh bạc để có thể có kết luận chính xác về loại và hàm lượng hóa chất có trong các dụng cụ.
Người chơi cần cảnh giác
Thực tế các vụ sản xuất thiết bị đánh bạc bịp bị phát hiện trên cả nước trong thời gian qua cho thấy, đối tượng sản xuất đều là những kẻ có sự am hiểu về công nghệ thông tin. Ngoài trường hợp của Úc, khoảng đầu năm 2015, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), Bộ Công an cũng phát hiện một xưởng chế tạo thiết bị đánh bạc bịp, hoạt động dưới vỏ bọc của một doanh nghiệp tại đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội). Đối tượng tham gia vào đường dây này là hai anh em ruột Phạm Văn Hải (39 tuổi) và Phạm Đình Hưng (35 tuổi, đều trú tại quận Đống Đa). Trong đó, Hưng từng là cử nhân tốt nghiệp một trường đại học, rất am hiểu về khoa công nghệ.
“Có cầu ắt có cung”, đối tượng mua hàng hiện nay rất đa dạng. Ngoài dân cờ bạc chuyên nghiệp còn có người dân hiếu kỳ mua về để sát phạt lẫn nhau. Nhu cầu sử dụng tăng lên vào dịp lễ Tết, hàng hóa được đặt mua qua mạng Internet, qua điện thoại… người mua có thể nhận trực tiếp hoặc chuyển qua đường bưu điện với giá bán trung bình từ 100 nghìn đến 10 triệu đồng/sản phẩm. Khi sử dụng các thiết bị chơi cờ bạc bịp này, tỷ lệ thắng cuộc của các đối tượng sẽ là 100%.
Để tránh bị phát hiện, đối tượng tổ chức sẽ khéo léo ngụy trang để con bạc lúc được, lúc mất khiến họ điên cuồng lao vào chơi… chúng trở thành kẻ quyết định sự thắng thua trong mỗi ván bài và phần thua thiệt luôn thuộc về phía những người chơi. Về phần các con bạc, càng thua đau thì càng cay cú muốn thắng cho bằng được và bị các đối tượng chủ mưu vét sạch túi tiền.
Theo cơ quan Công an, điều bất cập hiện nay là việc xử lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh thiết bị cờ bạc bịp này rất khó khăn. Nếu bắt được quả tang đánh bạc thì sẽ áp dụng xử lý với tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc nhưng nếu không thì chỉ có thể khép vào khung hình phạt tội buôn bán hàng cấm, buôn lậu. Đây là nguyên nhân khiến các trang mạng vẫn ngang nhiên tồn tại và công khai rao bán thiết bị cờ bạc bịp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.