(HNMO) - Ngày 22-3, Báo Đầu tư tổ chức tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” nhằm đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Tọa đàm có sự tham gia của các cơ quan quản lý, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trên địa bàn Hà Nội.
Thị trường mang lại nguồn thu lớn
Tại tọa đàm, các đại biểu nhận định, ngành Du lịch sau 1 năm mở cửa đã có sự khởi sắc, đặc biệt ở thị trường nội địa. Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngành Du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự khởi sắc sau đại dịch với số lượng khách nội địa tăng trưởng cao, đạt 101,3 triệu lượt, vượt 68% so với kế hoạch và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,6 triệu lượt khách, đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra. Năm 2023, ngành đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế - một mục tiêu đầy thách thức nếu so với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022. Mặc dù năm 2023, vẫn xác định, thị trường nội địa là thị trường chính, nhưng thị trường quốc tế vẫn mang lại nguồn thu lớn cho ngành Du lịch.
Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, kinh nghiệm phát triển du lịch trên thế giới cho thấy, việc thu hút tốt khách quốc tế sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi khách lưu trú. Ông Lê Trọng Minh dẫn chứng, ngay cả với Việt Nam, năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu toàn ngành.
“Điều này có được bởi đặc tính khách quốc tế có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, chi tiêu từ 1.100-2.000 USD cho một chuyến đi. Trong khi đó, đặc thù khách nội địa thường đi nghỉ vào cuối tuần và mức chi tiêu cũng không bằng”, ông Minh nêu.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, giảng viên cấp cao, Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT Việt Nam cũng chia sẻ, việc kéo được khách quốc tế lưu trú lâu tại Việt Nam sẽ thúc đẩy việc khách chi tiêu nhiều, từ đó mang lại nguồn thu lớn cho hoạt động du lịch. Vấn đề là Việt Nam cần có chiến lược để “khơi thông” nguồn thu này, xây dựng chiến dịch bài bản để lôi kéo khách quốc tế nhiều hơn.
Kỳ vọng vào sức bật đón khách
Bàn thêm về giải pháp có thể giúp Việt Nam đón được lượng khách quốc tế như kỳ vọng, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Lux Group chia sẻ, Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… hãy thực hiện chính sách visa thân thiện, cho phép lưu trú lên từ 30 ngày, cho phép du khách nhập cảnh nhiều lần, mở rộng miễn visa cho một số thị trường.
Còn theo ông Martin Koerner, Trưởng Tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một thách thức khác đối với khách du lịch là thời gian chờ đợi lâu tại các điểm kiểm tra xuất, nhập cảnh ở các sân bay quốc tế. “Việt Nam nên cải thiện các dịch vụ sân bay để du khách có ấn tượng tốt đẹp hơn khi đặt chân đến sân bay tham gia các chương trình trải nghiệm”, ông Martin Koerner bày tỏ.
Về vấn đề này, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh gợi ý thêm, Việt Nam cần có nhiều sản phẩm du lịch cao cấp để thu hút du khách hạng sang, có mức chi tiêu cao, như: Xây dựng và quảng bá những trung tâm mua sắm cao cấp, sân golf, resort đẳng cấp thế giới và công viên giải trí hiện đại... Dòng khách sang trọng sẽ mang đến nguồn ngoại tệ lớn cho ngành Du lịch, dịch vụ.
Trao đổi với Báo Hànộimới bên lề tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng dần, mỗi tháng đạt gần 1 triệu lượt khách. Với mức tăng trưởng hiện có cùng nỗ lực truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch tại nhiều sự kiện quốc tế, việc đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 có thể nằm trong tầm tay, thậm chí có thể vượt kế hoạch, đạt 10 triệu lượt khách.
“Tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ cùng các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá ở nhiều thị tường tiềm năng, như: Trung Quốc, châu Âu, Đông Bắc Á… Các chiến dịch truyền thông sẽ được đẩy mạnh ở nhiều hình thức bên cạnh các chiến dịch quảng bá đã làm rất tốt trong năm qua như “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” thúc đẩy du lịch nội địa và “Live Fully in Vietnam” hướng tới thị trường quốc tế”, ông Hà Văn Siêu cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.