Với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện quyết liệt, đột phá, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Vì thế, cần thẳng thắn nhận diện nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, sớm có biện pháp khắc phục để người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Nguyên nhân đến từ nhiều hướng
Đánh giá về những nguyên nhân chung của những hạn chế nêu trên, HĐND thành phố Hà Nội nhận định, từ góc độ khách quan, do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực nhiều bất ổn, diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến phát triển của cả nước và thành phố. Đồng thời, còn có cả nguyên nhân do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước còn chưa đồng bộ dẫn đến trong quá trình tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Một số các quy định, hướng dẫn triển khai các luật và quy định mới của các bộ, ngành trung ương còn chưa kịp thời, cần thời gian để tuyên truyền, hướng dẫn, huy động nguồn lực và triển khai thực hiện. Một số nhóm tài sản kết cấu hạ tầng (công viên, vườn hoa, cây xanh, chiếu sáng đô thị, thoát nước, đường sắt đô thị) chưa có nghị định quản lý, sử dụng và khai thác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Bộ Y tế chưa ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng trong lĩnh vực y tế theo chỉ đạo của Chính phủ tại Điểm a, Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27-12-2017 của Chính phủ.
Việc thực hiện số hóa tại bộ phận “một cửa” các sở, ngành và UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra do thiếu hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan; việc ban hành hướng dẫn và thống nhất danh mục mã số hồ sơ, thành phần hồ sơ số hóa chưa được các bộ chủ quản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện. Quy mô, khối lượng, tính chất khó khăn, thách thức của những công việc mà thành phố phải giải quyết ngày càng lớn, trong khi nguồn lực còn hạn chế cả về tài chính, con người. Chế tài xử lý đối với các vi phạm trong việc tuân thủ trật tự giao thông, trật tự xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ còn chưa đủ mạnh...
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, các nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan của thành phố vẫn là chủ yếu. Trong đó, công tác dự báo, lập kế hoạch, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong từng thời kỳ còn có lúc, có nơi chưa sát với thực tế. Công tác phối hợp giữa cơ quan tổng hợp và các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố hiệu quả chưa cao, chưa có quy trình cụ thể trong phối hợp rà soát, đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch hằng năm. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành với các quận, huyện, thị xã để giải quyết một số nhiệm vụ có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả... Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu ở một số cơ quan thiếu quyết liệt trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều.
Năng lực, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế. Khối lượng, yêu cầu công việc lớn, trong khi đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước còn khó khăn, đặc biệt là công chức xã, phường, dẫn đến một bộ phận chưa yên tâm công tác.
Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của nhiều đơn vị cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, kết quả còn hạn chế; chưa có các biện pháp, chế tài đủ mạnh trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời các sai phạm và biểu hiện tiêu cực xảy ra trên địa bàn.
Kiến nghị từ thực tiễn
Sau đợt giám sát, HĐND thành phố đã kiến nghị, đề xuất với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh và thực hiện đồng bộ, hiệu quả chuyển đổi số trong công tác Đảng trong toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Trung ương quan tâm chỉ đạo cho phép thành phố được triển khai các cơ chế, chính sách vượt trội so với Luật Thủ đô 2024 mà các luật mới sau này ban hành bằng một quy định mang tính quy phạm pháp luật xuyên suốt (dù luật đó có quy định cụ thể hay không); giao thành phố phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành trung ương trong quá trình soạn thảo để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ khi triển khai thực hiện giữa các luật với Luật Thủ đô 2024; đồng thời chỉ đạo sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thủ đô.
HĐND thành phố cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành trung ương cùng với thành phố sớm tập trung triển khai nghiên cứu xác lập để chuẩn bị đầu tư phát triển 2 thành phố thuộc Thủ đô (gồm thành phố phía Bắc: Vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây: Vùng Hòa Lạc, Xuân Mai) theo tinh thần Nghị Quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị và định hướng phát triển trong 2 Quy hoạch của Thủ đô. Trong đó, tại thành phố phía Bắc cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công viên Kim Quy với quy mô hơn 100ha.
Đối với việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng các công trình khu vực hồ Tây, cần quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn quy trình, thực hiện theo cơ chế đặc thù triển khai giải phóng mặt bằng ngay để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án đối với khu đất Nhà hát “Ngọc Trai” Opera và 8 bến thủy nội địa.
Về Quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng, Trung ương quan tâm chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng hướng dẫn các nội dung cụ thể để triển khai nghiên cứu lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, điều chỉnh các tuyến đê và xây dựng các công trình (công viên, công trình văn hóa, giải trí, du lịch...) để triển khai cụ thể hóa quy hoạch sông Hồng theo định hướng phát triển Thủ đô, nhằm phát triển trục sông Hồng, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, để sông Hồng thực sự là “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đồng thời, cho phép Hà Nội nghiên cứu bỏ một số chỉ tiêu không còn phù hợp trong bối cảnh mới (chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ sinh…), ưu tiên triển khai áp dụng thí điểm một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, phù hợp theo xu thế của thế giới để tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô nhằm phấn đấu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.