Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố Hà Nội đã đề ra 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố.
Tuy nhiên, đến thời điểm giám sát tháng 11-2024, HĐND thành phố cho rằng, vẫn còn 12 chỉ tiêu khó hoàn thành. Và năm 2025 dự báo, một số chỉ tiêu chính, chỉ tiêu thành phần, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của HĐND thành phố thực hiện còn khó khăn, việc hoàn thành kế hoạch đứng trước thách thức rất lớn.
Nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn cho các chỉ tiêu đề ra theo nghị quyết. Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đặt mục tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5-8,0%, nhưng dự kiến chỉ đạt khoảng 6,3%. Mục tiêu GRDP/người/năm là hơn 192 triệu đồng, nhưng dự kiến năm 2024 chỉ đạt 163,5 triệu đồng và năm 2025 đạt 172 triệu đồng. Đáng lưu ý, bình quân 3 năm 2021-2023, năng suất lao động tăng 4,8% - mức khá thấp so với mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 7,0-7,5%.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, việc triển khai kế hoạch đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đến thời điểm Đoàn giám sát làm việc với một số đơn vị được thành phố giao làm chủ đầu tư, còn khá nhiều dự án chưa giải ngân kế hoạch năm (tỷ lệ giải ngân là 0%) hoặc gần như chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân dưới 5%); trong đó có một số dự án, công trình, nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể như đường Vành đai 3,5 đoạn km0-km0+600 huyện Hoài Đức, giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây xây dựng đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện Thanh Oai, giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng quốc lộ 6 trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ, xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thành phố Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội…
“Trong 35 công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hầu hết các công trình đều triển khai chậm so với tiến độ đề ra, trừ công trình xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô”, bà Hồ Vân Nga nói.
Nhiều công trình lớn được xác định cần hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong giai đoạn 2021-2025 đều chưa triển khai xây dựng: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy; Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa; khu trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch (outlet), các cảng cạn: Cổ Bi, Đức Thượng và Trung tâm khai thác, vận chuyển khu vực phía Bắc Mê Linh.
Ngoài ra, tiến độ xây dựng, mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo điều kiện mặt bằng cho sản xuất rất chậm, cả 5 khu công nghiệp dự kiến đầu tư xây dựng mới trong giai đoạn đều chưa triển khai được như: Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu công nghiệp Đông Anh và Khu công viên phần mềm tại huyện Đông Anh, Khu công nghiệp Quang Minh II, Khu công nghệ cao sinh học, Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.
Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh cho rằng, thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất tại các làng nghề, Hà Nội đã triển khai xây dựng các cụm công nghiệp mới. Tuy nhiên, trong số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập từ giai đoạn 2018-2020, thì đến nay mới khởi công được 29 cụm công nghiệp. Nhưng nhiều cụm công nghiệp đã khởi công cũng vẫn chưa hoàn thiện, do gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Rõ nhất là trường hợp Cụm công nghiệp Thắng Lợi (huyện Thường Tín) với quy mô 9ha, đã triển khai từ năm 2023, nhưng hiện vẫn còn hơn 1.500m2 của 11 hộ dân chưa thể giải phóng mặt bằng; Cụm công nghiệp Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) có diện tích 15ha, qua 5 năm triển khai, vẫn còn 20% diện tích chưa giải phóng mặt bằng xong.
Bên cạnh đó, việc thu hút nhà đầu tư, thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết doanh nghiệp - nông dân trong phát triển sản xuất chuyên canh, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Trung ương và Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND thành phố còn khó khăn. Thành phố vẫn chưa hình thành được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư, các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa hiệu quả.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình nhận xét, không chỉ lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn, mà cả một số chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội cũng dự báo khó hoàn thành. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia hiện mới đạt 71,4%, trong khi chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là từ 80% đến 85%, trong đó tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia cấp học trung học phổ thông mới chỉ đạt 50,8%.
Vẫn còn tình trạng quá tải tại một số trường, lớp học trên địa bàn một số quận như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đống Đa... Việc thừa thiếu cục bộ giáo viên giữa các cấp học và giữa các địa phương vẫn còn tồn tại, nhất là bậc học mầm non và chưa có cơ chế giải quyết.
Theo Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp bệnh viện còn chậm (còn 10/40 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư); tình trạng quá tải ở các bệnh viện, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến trên chưa được khắc phục hiệu quả; còn tình trạng thiếu thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế công lập khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng và sức khỏe của người dân. Hiện còn 6 xã, phường thuộc 3 quận, huyện chưa được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã (quận Cầu Giấy có phường Dịch Vọng Hậu; huyện Chương Mỹ có thị trấn Chúc Sơn; huyện Mỹ Đức có 4 xã Đại Hưng, Phù Lưu Tế, Hợp Tiến, Mỹ Thành).
Ngoài ra, tiến độ triển khai một số dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp bệnh viện còn chậm. Theo kế hoạch, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín được xây mới và hoạt động vào tháng 4-2024, tuy nhiên vẫn chưa thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng do chưa thực hiện bàn giao phá dỡ 1 tài sản thuộc quyền quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ban Quản lý dự án đầu tư công trình dân dụng thành phố cũng mới tổ chức lắp đặt 1/4 gói thầu cung cấp, thiết bị. Còn tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Dự án xây mới bệnh viện này triển khai từ năm 2019, tuy nhiên sau 5 năm, tòa nhà chính vẫn ngổn ngang, chưa hoàn thiện. Hiện nay, người bệnh vẫn phải chen chúc khám bệnh ở những dãy nhà tạm của bệnh viện.
Cùng với đó, Dự án Bảo tồn khu vực khảo cổ học số 18 đường Hoàng Diệu được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2022 với tổng mức đầu tư gần 793 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mặc dù được chỉ đạo, đôn đốc nhiều lần nhưng chưa phê duyệt được dự án, tiến độ triển khai rất chậm.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.