Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông dòng vốn, lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp

H.Vân| 31/10/2012 11:31

(HNMO) – Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận quanh báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013. Việc xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tiếp tục là những chủ đề “nóng”.


Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về sự biến động của một số hàng hóa: xăng, dầu, vàng…, xóa đói giảm nghèo, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, sự quá tải của các bệnh viện, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nông thôn mới, thực hiện lộ trình tăng lương, phân bổ ngân sách trung ương…

Nhìn chung các ý kiến nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như kinh tế vĩ mô chưa vững chắc; lạm phát vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại; nợ xấu, hàng tồn kho, lãi suất tín dụng còn cao; doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, khó vay vốn ngân hàng; thị trường bất động sản chưa phục hồi; tái cơ cấu kinh tế mới chỉ bắt đầu; cơ chế quy trách nhiệm chưa rõ ràng...

Các đại biểu cơ bản ủng hộ 9 nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra, nhưng lưu ý, các giải pháp cần được cụ thể hóa hơn nữa để có thể thực thi một cách hiệu quả nhất, tạo bước đột phá trong sự phát triển năm tới.

Nhận định khó khăn là quy luật tất yếu trong sự phát triển, đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là cần đoàn kết toàn dân, thống nhất mọi ý chí, tránh mọi sự chia rẽ của các thế lực thù địch, tạo mọi niềm tin để giải quyết những vấn đề hiện nay, bằng mọi sức cứu doanh nghiệp. Thượng tọa cũng cho rằng, cần tránh tâm lý mặc cảm với các tập đoàn kinh tế lớn vì những tập đoàn này có công rất lớn với đất nước, quan trọng là phải cơ cấu, quản lý các tập đoàn này thật tốt để các tập đoàn này phát huy thế mạnh, vai trò đúng đắn của mình trong nền kinh tế.

Phân tích về những nguyên nhân gây tắc nghẽn, đình trệ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay, đại biểu Phạm Hồng Phong – Hậu Giang cho rằng, do nhiều năm qua, chúng ta áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, chạy theo tăng trưởng ngắn hạn nên doanh nghiệp phát triển không bền vững; việc đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn lực cho phát triển kinh doanh; tư duy phát triển nóng vội khiến lạm phát cao...

Giải quyết bài toán khơi vốn cho doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Bá Thanh – Đà Nẵng đề nghị, cần phân tích, bóc tách nợ xấu, phân loại đúng, làm rõ các doanh nghiệp nợ xấu bao nhiêu và tại sao không bị siết nợ... Theo ông, Chính phủ có thống kê nghiêm túc thì mới có thể xác định được khi nào giảm được nợ, việc xử lý mới rõ và hiệu quả.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Kiên Giang đề nghị, Chính phủ cần tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay để doanh nghiệp có thể vực lên sản xuất. Đồng thời, các chính sách ban hành cần ổn định, nhất quán để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Đại biểu Tuyết cũng đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển công nghệ cao để tăng sức cạnh tranh, nâng giá sản phẩm.


Đại biểu Thân Văn Khoa – Bắc Giang cho rằng, để tháo gỡ khó khăn hiện nay, Chính phủ cần quan tâm nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn lực ít ỏi, tiếp tục cắt giảm các dự án kém hiệu quả, nếu cần thiết, thậm chí có thể rút gọn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đại biểu Phạm Văn Quý- Nghệ An, để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn thì dòng tiền phải lưu thông. Muốn vậy, trước mắt phải tập trung giải quyết nợ xấu, thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, chấp nhận sự hi sinh nhiều phía, có hành động quyết liệt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại càng nhanh càng tốt. Ông gợi ý, Chính phủ nên xem xét, học tập kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước khác.

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP. Hồ Chí Minh lưu ý thêm, nếu địa phương chủ động nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan thì khó khăn sẽ được giải quyết.

Đáng chú ý, trong phiên thảo luận sáng nay, rất nhiều thành viên Chính phủ đã tham gia giải trình về các vấn đề được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm.

Từ 1/7/2013: Đề xuất tăng thêm lương 100.000 đồng/người/tháng

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã làm rõ thêm về lộ trình cải cách tiền lương, việc quản lý giá, tạm nhập-tái xuất và phân bổ ngân sách.

Về tăng lương, Bộ trưởng cho biết, để có thể tăng được lương theo lộ trình, cần 60.000-65.000 tỷ đồng, chưa kể 29.000 tỷ đồng để bố trí mức lương tối thiểu và phụ cấp công vụ thêm 4 tháng trong năm 2013 do năm 2012 chỉ thực hiện 8 tháng. Điều này vượt quá khả năng ngân sách của năm 2013. Trước tình hình đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, dự kiến đến tháng 5/2013 chỉ bố trí tăng lương cho cán bộ nghỉ hưu, người khó khăn, có công…, các đối tượng còn lại chỉ tăng lương một phần.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành dự kiến trình Quốc hội xem xét ngân sách cho tăng lương ngay trong khi xem xét tổng thể dự toán ngân sách.

Theo đề nghị của Chính phủ, từ 1/7/2013, Chính phủ sẽ tăng lương với mức 100.000đồng/người/tháng. Ngân sách cho khoản tăng lương này vào khoảng 1 tỷ USD. Chính phủ dự kiến sẽ lấy từ việc giảm đầu tư công khoảng 10.000 tỷ đồng, cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ khoảng 53.000-55.000 tỷ đồng nhưng vẫn đảm bảo tổng mức đã được phê duyệt, đồng thời tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên 10%....

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho biết, phí bảo trì đường bộ dự kiến áp dụng từ 1/7/2012 nhưng do xét thấy tình hình đất nước khó khăn, Chính phủ đã quyết định tạm hoãn thực hiện trong thời gian 6 tháng. Khi thu phí đường bộ, Chính phủ sẽ xóa tất cả các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước hiện nay.

Cũng liên quan đến cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, Chính phủ đã xây dựng đề án cải cách tiền lương, trợ cấp ưu đãi người có công tương đối toàn diện, đồng bộ. Đề án về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn cũng đang được xây dựng, dự kiến báo cáo trong năm 2013.

Trước mắt, thực hiện ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri, với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, tổ thôn, CP đã đồng ý sửa đổi 1 số điều của NĐ 92, đặc biệt tập trung chế độ cho những người hoạt động ko chuyên trách, cơ bản dự thảo đã hoàn thành, dự kiến trình tháng 11.

Chỉ còn khoảng 20% tổng dư nợ chịu lãi suất 15%/năm

Tham gia giải trình về việc quản lý thị trường, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nhận trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước đã không làm tốt công tác thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời chủ trương, chính sách của Nhà nước nên đã để xuất hiện nhiều thông tin chưa đầy đủ, chính xác, gây hiểu không đúng, bất ổn trên thị trường.

Thống đốc cho biết, ước tính hiện có khoảng 300-400 tấn vàng đang được cất giữ trong dân, không được huy động vào đầu tư sản xuất. Thực hiện chính sách chống đô la hóa và vàng hóa nhằm mục đích đảm bảo sự biến động của giá vàng không làm ảnh hưởng đến tỷ giá, đẩy lùi tình trạng vàng hóa nền kinh tế và huy động nguồn vốn này vào phát triển kinh tế, Chính phủ đã xây dựng đề án với 3 bước: xây dựng khung pháp lý quản lý thị trường vàng, chấm dứt việc cho vay bằng vàng, chuyển toàn bộ sang mua bán bằng vàng. Đến nay, Chính phủ đã thực hiện được 2 bước đầu.

Theo Thống đốc, với các văn bản pháp lý đã được ban hành, từ tháng 5/2012 trở lại đây, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tuy chênh nhau khá lớn, nhưng trên thị trường không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng và tỷ giá ổn định, thậm chí giảm, tình trạng vàng hóa nền kinh tế cơ bản được chặn đứng.

“Từ tháng 5 trở lại đây, hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng từ nền kinh tế. Như vậy, chúng ta đã từng bước huy động được nguồn vốn từ vàng cho nền kinh tế”, Thống đốc nói.

Theo Thống đốc, các quyết sách vừa qua là rất có ý nghĩa khi nước ta đang trong giai đoạn rất khó khăn. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua được khoảng 10 tỷ USD, nhờ vậy cải thiện được thanh khoản, giảm được lãi suất và tạo tăng trưởng, dù thấp hơn nhiều so với mong muốn.

Thống đốc cũng giải thích về khái niệm độc quyền vàng miếng SJC. Theo quy định, kể từ 25/5, tất cả các đơn vị dập vàng miếng đều phải chấm dứt việc dập vàng miếng, chỉ có ngân hàng nhà nước được độc quyền dập vàng miếng. Xét thấy vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn trên thị trường (93-95%), để tránh xáo trộn và tiết kiệm chi phí, Ngân hàng Nhà nước quyết định sử dụng luôn mác đó, chứ không có công ty SJC nào được dập vàng miếng nữa.

Về nhu cầu của người dân chuyển các loại vàng khác sang SJC, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã bàn với tất cả các cơ quan có liên quan để nâng cao năng lực thẩm định, giám định để chuyển đổi các vàng này cho người dân. Ngân hàng sẽ nỗ lực phấn đấu cùng với các cơ quan có liên quan để nhanh chóng khắc phục tình trạng đó.

Về khơi thông vốn cho doanh nghiệp, theo Thống đốc, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc khoanh nợ, giãn nợ và tái cơ cấu lại nợ cho các tổ chức tín dụng, từ tháng 4 trở lại đây, đã có 36.000 tỷ dư nợ được khoanh nợ, giãn nợ.

"Trước ngày 15-7, khoảng 80% dư nợ của hệ thống của chúng ta là có lãi suất trên 15%, nhưng từ sau thời điểm này, dư nợ lãi suất cao chỉ khoảng xấp xỉ 20%. Như vậy, chúng ta đã giảm được khoản nợ có lãi suất trên 15% là rất lớn", Thống đốc nói.

Thống đốc cũng khẳng định, vấn đề giải quyết hàng tồn kho có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

"Nếu chúng ta nói hàng tồn kho chiếm khoảng 20% tổng số lượng hàng hóa chúng ta sản xuất ra thì quá lớn... Giả sử trong sản xuất tổng số GDP của chúng ta chiếm khoảng 50%, 50% còn lại dịch vụ và các loại khác. Hàng hóa tồn kho của chúng ta còn 20% của 50% GDP đó thì nó chiếm cỡ khoảng 4% nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Nếu giải quyết được hàng tồn kho thì nợ xấu của ngân hàng được giải quyết khoảng 4%, nếu giải quyết được 93% số nợ dọng trong đầu tư cơ bản khoảng 90.000 tỷ thì chúng ta đã giải quyết được thêm 2% của nợ xấu. Nếu theo đánh giá của ngân hàng nhà nước thì nợ xấu của chúng ta khoảng 8%, chúng ta đã xử lý được khoảng 6% nợ xấu", Thống đốc phân tích.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, đã có những chương trình với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng để giải quyết hàng tồn kho. Dưới góc độ nhiệm vụ của ngành ngân hàng, Thống đốc hứa sẽ quyết tâm phấn đấu hết mức, đặc biệt, đề nghị các ngân hàng tự xử lý nợ xấu.

"Hiện nay các ngân hàng đang tích cực trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, chúng tôi cũng cương quyết đến cuối năm nay, tất cả những ngân hàng nào không trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, chúng tôi không cho chia cổ tức. Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên phải phục vụ vấn đề xử lý nợ xấu", Thống đốc nói.

Không có dấu hiệu mất an toàn của đập cũng như hồ chứa ở thủy điện Sông Tranh 2

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Sông Tranh 2 là một dự án thủy điện nằm trong hệ thống bậc thang Vu Gia- Thu Bồn, có công suất là 190MW, có 2 tổ máy 95MW và khoảng 700 triệu KW/giờ/năm. Dự án đã được khởi công từ tháng 3. 2006 và tích nước giai đoạn 1 là cuối năm 2010, tích nước giai đoạn 2 là cuối năm 2011.


Dự án sau khi tích nước đã đưa vào vận hành đã xuất hiện 2 vấn đề: xuất hiện thấm ở công trình đập, lượng thấm từ 30-80 lít/giây, đã vượt mức tiêu chuẩn cho phép; Xuất hiện động đất kích thích do tác động của hồ chứa. Từ tháng 11-2011 đến nay có 66 đợt động đất kích thích, trong đó có 2 lần có động đất đạt 4,2 độ richter và một lần trong ngày 22-10 gần đây lên đến mức động đất cao nhất là 4,6 độ richter trên tiêu chuẩn thiết kế là 5,5 độ richter và tiêu chuẩn tính kiểm tra của đập là 6 độ richter.

Để khắc phục vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương và Viện Vật lý địa cầu cùng với chủ đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thực hiện việc kiểm tra trên công trường và đưa ra các giải pháp.

Về chống thấm, đến tháng 8-2012, việc chống thấm đã được nghiệm thu. Kết quả chống thấm của 10 khe nhiệt chính đã giảm từ 26 lít/giây xuống 0,02 lít/giây, giảm được 99,9%, đạt vượt tiêu chuẩn cho phép. Các vị trí thấm khác của 20 khe nhiệt khác cộng với nền cũng đạt giảm 86%, đạt chuẩn cho phép về chống thấm.

Về động đất, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã thuê một công ty tư vấn nước ngoài đánh giá về ổn định đập trên các tiêu chí: thiết kế đập, ổn định đập, an toàn về quan trắc đập và khả năng gây động đất hồ chứa.

Phó Thủ tướng cho biết, báo cáo đánh giá của tư vấn nước ngoài thì đều cho rằng đập được thiết kế bảo đảm về tiêu chuẩn và có dự phòng về ổn định đập cũng như ổn định chống động đất. Hiện nay, không có dấu hiệu mất an toàn của đập cũng như về hồ chứa.

Tuy vậy, trên cơ sở báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng như của các cơ quan có liên quan như Bộ Khoa học công nghệ, Viện Vật lý địa cầu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lấy mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du làm mục tiêu số 1, nên đã quyết định là không tích nước hồ chứa của mùa lũ năm nay và giao cho Hội đồng nghiệm thu nhà nước cùng với các Bộ Khoa học công nghệ, Viện Vật lý địa cầu, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng tổ chức một đoàn công tác để vào kiểm tra cũng như theo dõi đánh giá đập trong suốt thời gian mùa lũ năm nay.

Về động đất kích thích, Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Khoa học công nghệ, Viện Vật lý địa cầu thuê cả chuyên gia nước ngoài để đánh giá toàn bộ về ổn định của hồ chứa, đánh giá về tình trạng địa chất của hồ chứa cũng như ổn định an toàn đập. Trong thời gian vừa qua các bộ, ngành cũng đã triển khai nghiêm túc kết luận của Thủ tướng Chính phủ và cũng đã có những báo cáo đánh giá về tình trạng của đập và hồ chứa, cho đến nay chưa có những dấu hiệu gây mất an toàn của hồ chứa và đập.

Thủ tướng cũng có chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống lụt bão cũng như đang triển khai xây dựng phương án phòng, chống vỡ đập. Việc này sẽ được khẩn trương thực hiện và khi chuẩn bị xong phương án này sẽ xây dựng các phương án để diễn tập sự cố vỡ đập để bảo đảm an toàn nếu có trường hợp xấu nhất xảy ra.

Đối với việc quan trắc đập, Thủ tướng đã giao cho các cơ quan bảo đảm lắp 5 trạm về đo địa chấn cũng như lắp đầy đủ các thiết bị quan trắc đập để có điều kiện theo dõi và đánh giá về ổn định và an toàn đập trong thời gian tới.

Về công tác thống kê, đền bù, Chính phủ đã giao cho chủ đầu tư cũng như các bộ cùng Ủy ban nhân dân địa phương thống kê hơn 1000 nhà của người dân bị ảnh hưởng, bị tác động, bị nứt để chủ đầu tư đền bù, hỗ trợ cho người dân trong thời gian tới.

Về những vướng mắc trong khâu đền bù tái định cư đối với 1000 hộ dân, 5000 khẩu bị tác động khi thực hiện dự án này, Phó thủ tướng cho biết, chủ đầu tư cũng như UBND địa phương đang có các giải pháp khắc phục vấn đề thiếu đất sản xuất, bảo đảm xây dựng các đường nội bộ khu tái định cư, khắc phục các nhà tái định cư còn chưa bảo đảm chất lượng cũng như cung cấp nước cho các khu tái định cư.

Dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 1 triệu tỷ đồng


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo trước Quốc hội về các giải pháp xử lý tồn kho vật liệu xây dựng và thúc đẩy thị trường bất động sản.

Về bất động sản, Bộ trưởng cho biết, tính đến ngày 31/8/2012, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 6,6%. Nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, trong đó liên quan gồm cho vay để kinh doanh bất động sản, vay để đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì dư nợ tín dụng này khoảng 57% tổng dư nợ, tức là khoảng hơn 1.000.000 tỷ. Vì vậy, nếu sản xuất, kinh doanh khó khăn, nợ xấu của các doanh nghiệp tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng cho rằng phải khắc phục được các nguyên nhân gây ra khó khăn bất động sản. Đó là: khắc phục tình trạng phát triển tự phát, phong trào và thiếu quy hoạch, kế hoạch, khiến cung rất lớn so với cầu; tập trung rà soát các dự án bất động sản, kiên quyết dừng những dự án không khả thi; hoàn thiện hệ thống luật pháp về xây dựng và bất động sản; mở rộng tín dụng cho vay cho các nhà đầu tư nhà ở và người mua nhà để ở, đặc biệt người mua nhà ở xã hội; đề nghị Quốc hội cho phép miễn, giảm thuế VAT cho các hộ gia đình cá nhân mua nhà xã hội và mua nhà thương mại để ở lần đầu, cho phép doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất; cho phép các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được quyền nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở...

"Hiện nay cả nước có 2399 dự án theo thống kê của 44 tỉnh thành và có xấp xỉ khoảng 71.000 ha đất cho bất động sản, riêng Hà Nội hiện nay có 368 dự án với khoảng 20.000 ha cho bất động sản, những dự án đang triển khai chiếm khoảng 40% tức là 8.000 ha với 233 dự án. Hàng tồn kho cả nước hiện nay có 16.469 căn hộ chung cư, 4116 nhà thấp tầng, và 25.870 m2 nhà văn phòng cho thuê. Như vậy, sản phẩm bất động sản chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình ở mức độ cao còn sản phẩm bất động sản cho người thu nhập thấp, những đối tượng xã hội thì rất ít", Bộ trưởng cho biết.

Về giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng, Bộ trưởng đề nghị tập trung kiểm soát các dự án mới đầu tư trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn chung cho sản xuất kinh doanh và nhằm tăng tổng đầu tư xã hội, tăng tiêu thụ vật liệu xây dựng; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó phát triển nhà ở xã hội chủ yếu dùng những vật liệu trong nước; phải đẩy mạnh dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là dùng xi măng trong các công trình giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông dòng vốn, lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.