Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông ''điểm nghẽn'' để du lịch Kon Tum ''cất cánh''

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 07/05/2022 08:05

(HNMCT) - Là một trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Kon Tum sở hữu tiềm năng du lịch vô cùng phong phú nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc. Dẫu chỉ một lần đặt chân đến đây, du khách khó lòng quên được những ấn tượng về vùng cao nguyên đầy nắng gió với những nét đặc trưng không lẫn với bất cứ nơi nào khác. Tuy nhiên, do còn tồn tại nhiều “điểm nghẽn” nên du lịch Kon Tum chưa thể phát triển trong nhiều năm qua. Vì thế, cần có những động lực mạnh mẽ để khơi dậy tiềm năng du lịch của vùng đất này.

Du khách giao lưu với nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống tại làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi).

Vẻ đẹp tiềm ẩn

Mặc dù mới trải qua lịch sử hình thành và phát triển 110 năm nhưng Kon Tum được biết đến là một vùng đất đa dạng văn hóa với 7 dân tộc anh em cùng chung sống như: Ba Na, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm... Chính điều này đã hình thành nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của các tộc người thiểu số, thể hiện ở các loại hình như văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ - chữ viết...

Nhắc đến Kon Tum không thể không nhắc tới các lễ hội lớn như hội đua voi, lễ hội đâm trâu, lễ "bỏ mả" và đặc biệt là lễ hội cồng chiêng gắn với Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Song song với đó là hệ thống di tích lịch sử, cách mạng đã được xếp hạng như ngục Kon Tum, ngục Đăk Glei; Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Di tích chiến thắng Plei Kần... Ngoài ra, Tây Nguyên còn sở hữu nhiều công trình tôn giáo có nghệ thuật kiến trúc vô cùng độc đáo như Nhà thờ Gỗ, Tòa Giám mục, chùa Bác Ái...

Nằm ở phía Bắc của vùng Tây Nguyên, Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với những điều kiện thuận lợi về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ động, thực vật phong phú tạo nên nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo. Kon Tum sở hữu một “Đà Lạt thứ hai” là thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plong). Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Măng Đen được ví như “nàng thơ” của vùng đại ngàn Tây Nguyên với kiểu khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, được rừng nguyên sinh bao bọc nên cảnh sắc thiên nhiên mang vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Ngoài ra, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, Rừng đặc dụng Đăk Uy, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh... là những “mỏ vàng” để Kon Tum phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm hay du lịch thể thao mạo hiểm...

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, du lịch Kon Tum còn nhiều “điểm nghẽn” trong chính sách thu hút đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông; hệ thống lưu trú và nguồn nhân lực... chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến vùng đất này bao năm qua vẫn “ngủ quên”. Để “đánh thức” được tiềm năng, Kon Tum cần có những động lực mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

“Đánh thức” tiềm năng

Đánh giá cao tiềm năng và thẳng thắn chỉ ra “điểm nghẽn” đầu tiên của du lịch Kon Tum, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng: Kon Tum chưa xây dựng được hình ảnh điểm đến du lịch đại diện và đủ độ hấp dẫn để thu hút sự chú ý của du khách. “Xúc tiến du lịch một cách chuyên nghiệp là cách thu hút khách nhanh chóng nhất. Để đạt hiệu quả, cần hiểu thấu đáo thị trường để xúc tiến đúng thị trường, đúng phân khúc, đúng thời điểm, tiết kiệm thời gian phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương xúc tiến sản phẩm du lịch của mình; trong đó cần tập trung vào các trung tâm phân phối khách du lịch nội địa lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bên cạnh đó, cần xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt, mang tính trải nghiệm và đầy cảm xúc dựa trên nền tảng chính là sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số” - ông Thắng nói.

Nhìn nhận cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường hàng không sẽ là “đường băng” để du lịch địa phương “cất cánh”, bà Phạm Thị Nguyệt, Quyền Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm của Vietnam Airlines cho biết, hãng hàng không này sẽ đồng hành cùng Kon Tum trong công tác quảng bá xúc tiến, kết nối các doanh nghiệp của Kon Tum với các sự kiện quốc tế nhằm xây dựng các chương trình bán sản phẩm và quảng bá hình ảnh Kon Tum. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng có chính sách ưu đãi về giá vé đối với các doanh nghiệp du lịch và du khách nội địa, quốc tế để thu hút khách tới Kon Tum và Tây Nguyên trong thời gian tới.

Bên cạnh khơi thông những “điểm nghẽn” trên, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Tấn Thành, Kon Tum cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, có cơ chế chính sách đầu tư đặc thù nhằm thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực. Bên cạnh đó, Kon Tum và các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần mở rộng sự liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành, các vùng trên cả nước để xây dựng sản phẩm đặc thù, phát huy thế mạnh của từng địa phương, tránh trùng lắp, chồng chéo làm giảm giá trị sản phẩm; đồng thời, chú trọng đến mối quan hệ với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch liên tuyến đặc thù, chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông ''điểm nghẽn'' để du lịch Kon Tum ''cất cánh''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.