Giáo dục

Khởi sắc ở các trường học vùng khó khăn

Thống Nhất 15/11/2023 - 06:52

Năm học 2023-2024 mới đi được gần nửa chặng đường, song kết quả gặt hái ban đầu đang cho thấy sự khởi sắc về chất lượng giáo dục, nhất là ở các trường học trên địa bàn huyện, nơi còn nhiều khó khăn thuộc thành phố Hà Nội. Không chủ quan và bằng lòng với kết quả hiện tại, các trường học đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục được duy trì bền vững.

lop-hoc.jpg
Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất (huyện Thạch Thất).

Những mảng màu sáng

Tin vui đáng chú ý nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vào đầu tháng 11 vừa qua là sự ra mắt của 12 đội tuyển học sinh giỏi thành phố sẽ tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 5 và 6-1-2024. Hà Nội đã nhiều năm liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thưởng trong kỳ thi này, gần nhất là trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023, học sinh Hà Nội đạt 141 giải trong số 184 em dự thi, tăng 16 giải so với năm học trước.

Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thành lập 12 đội tuyển với 240 học sinh, tăng 56 học sinh so với năm học trước. Dù phần lớn thành viên của các đội tuyển vẫn là học sinh của các trường chuyên, trường có lớp chuyên như: Chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây, song điểm mới đáng chú ý là có sự xuất hiện của một số học sinh đến từ các trường trung học phổ thông ở khu vực còn nhiều khó khăn, điểm tuyển sinh còn thấp như các trường: Minh Quang (huyện Ba Vì), Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất (huyện Thạch Thất)…

Trong năm 2023, chất lượng giáo dục đại trà của Hà Nội cũng có tín hiệu chuyển biến ở các trường khu vực huyện. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp toàn thành phố đạt 99,47%, xếp từ vị trí thứ 27 lên thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022. Toàn thành phố có 1.232 bài thi đạt điểm 10, tăng 3,35 lần so với năm 2022, trong đó có nhiều điểm 10 của học sinh các trường khu vực huyện. Trong nhóm trường có điểm trung bình môn cao nhất thành phố có sự xuất hiện của các trường trung học phổ thông khu vực huyện như Xuân Giang, Liên Hà, Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), Ứng Hòa A (huyện Ứng Hòa), Liên Hà (Đông Anh), Yên Viên, Dương Xá (huyện Gia Lâm)…

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, điều này cho thấy tín hiệu về sự chuyển biến của chất lượng giáo dục mũi nhọn, đặc biệt là sự tiến bộ rõ nét của các trường học ở địa bàn huyện, nơi các điều kiện dạy học còn khó khăn, điều kiện học tập của học sinh chưa nhiều thuận lợi như ở các trường khu vực nội thành. Đây cũng là kết quả của sự nỗ lực, kiên trì của đội ngũ nhà giáo toàn ngành trong việc triển khai nhiều giải pháp nâng chất lượng dạy học, tăng cường hỗ trợ học sinh để giảm dần sự chênh lệch giữa các nhà trường ở khu vực nội thành và ngoại thành.

Nhiều sáng kiến nâng chất lượng

Thành lập năm 2014 với quy mô hằng năm khoảng 800 học sinh, chủ yếu là con em của nhân dân các xã miền núi huyện Ba Vì, năm nào cũng có điểm tuyển sinh thấp nhất trong số hơn 100 trường công lập của Hà Nội, nên việc có một học sinh được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi thành phố năm học 2023-2024 là niềm vui, niềm tự hào của cả thầy và trò Trường Trung học phổ thông Minh Quang.

Hiệu trưởng nhà trường, ông Nguyễn Duy Bỉnh chia sẻ: Khoảng 40% số học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gia đình học sinh còn nhiều khó khăn nên sự quan tâm đến việc học của con cái hạn chế. Trong khi đó, có tới 90% số học sinh của trường có điểm đầu vào dưới 4,0, nhiều em bị hổng kiến thức. Với lợi thế có đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt huyết, nhà trường động viên thầy, cô giáo phụ đạo miễn phí cho học sinh có học lực trung bình trở xuống trong suốt 3 năm học; đồng thời tổ chức lớp bồi dưỡng cho các học sinh có học lực khá trở lên.

Cũng là trường có điểm tuyển sinh không cao, song từ năm học 2020-2021 đến nay, Trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất (huyện Thạch Thất) đã có 2 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Sự góp mặt của học sinh Vũ Thế Sơn (lớp 12A12) của trường trong đội tuyển học sinh giỏi thành phố năm học 2023-2024 thêm khẳng định hiệu quả của các giải pháp đã kiên trì triển khai.

Hiệu trưởng nhà trường Nghiêm Hồng Trung cho biết, ngay khi học sinh vào lớp 10, nhà trường xếp lớp theo năng lực; sau mỗi học kỳ lại tổ chức kiểm tra, khảo sát theo đề chung và bố trí lại học sinh các lớp để bảo đảm học sinh trong một lớp có cùng mức độ nhận thức. “Thực hiện từ năm 2017, ban đầu cũng có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng thực tế cho thấy, cách thức này khiến mọi thành viên đều phải vận động, học sinh không thể “ngồi yên” một chỗ, giáo viên cũng cần không ngừng học hỏi, nỗ lực, từ đó góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng dạy và học” - ông Nghiêm Hồng Trung bày tỏ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đánh giá, nỗ lực vượt khó, sự tìm tòi những cách làm phù hợp với điều kiện, chất lượng dạy học tại các trường ở địa bàn huyện đã mang đến hiệu quả rõ rệt trong thời gian qua. Từ những cách làm hay, hiệu quả này, Sở sẽ cùng các nhà trường tiếp tục nhân rộng để nâng cao chất lượng dạy học tại các trường ở địa bàn huyện, đặc biệt ở vùng khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc ở các trường học vùng khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.