Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi sắc nông thôn Hà Nội

Bài, ảnh: Nguyễn Mai| 30/12/2011 07:39

(HNM) - Hà Nội ngày cuối năm, nhịp sống của những người dân ngoại thành như trở nên gấp gáp hơn. Từ vùng núi cao Ba Vì đến vùng sâu Mỹ Đức, qua sông Hồng, sang huyện Mê Linh, Sóc Sơn… đâu đâu cũng bắt gặp không khí tươi vui.


Hà Nội đang quyết liệt triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nỗ lực của nhân dân khiến những miền quê như được tiếp thêm sinh khí mới, đời sống của người dân đã thực sự đổi thay.


Quang cảnh đường làng thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ sau khi được đầu tư mở rộng

Rộn ràng trên những cánh đồng

Chúng tôi về huyện Sóc Sơn, trên khắp cánh đồng, bà con nông dân đang tất bật xuống đồng thu hoạch vụ đông và chuẩn bị làm đất cho mùa vụ mới. Tại xã Tân Hưng, thay vì không khí ảm đạm bởi cái nghèo đeo đẳng bao năm qua, trên gương mặt người dân đã ánh lên tia sáng rạng ngời. Một ngày mới đã mở cùng không khí xuân lan tỏa mang theo hơi ấm và hy vọng thoát nghèo. Anh Vương Xuân Mạnh ở thôn Ngô Đạo phấn khởi cho biết, trước kia ở xã, mỗi nhà có hơn 20 thửa ruộng nằm ở khắp các xứ đồng. Muốn lấy nước vào ruộng nhà mình, phải dẫn qua ruộng của rất nhiều nhà khác, có hộ ruộng nhà mình ở những đâu cũng không nhớ nổi, thế nên chẳng mấy ai quan tâm đến canh tác. Nay mỗi hộ chỉ còn một thửa, canh tác thuận hơn trước nhiều. Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thừa nhận, trước kia chưa bao giờ năng suất lúa của Sóc Sơn đạt 30 tạ/ha, đời sống nông dân gặp rất nhiều khó khăn, xóa nghèo mãi mà nghèo không hết. Năm 2011, Sóc Sơn quyết tâm chỉ đạo dồn điền đổi thửa, từ thành công ở Tân Hưng, huyện nhân rộng ra nhiều xã khác. Đến nay, Sóc Sơn đã đồn đổi được gần 4.000ha, vượt hơn 2.000ha so với kế hoạch. Cùng với "rũ rối" chia lại ruộng, hạ tầng nội đồng cũng được quy hoạch lại, đường rộng 5m, mương nước chạy song song với đường dẫn nước vào ruộng. Ngay năm 2011, năng suất lúa của huyện đã vọt lên hơn 50 tạ/ha, riêng xã Tân Hưng, đạt trên 60 tạ/ha. Nhờ thủy lợi tốt, nhiều diện tích trước đây chỉ cấy được 1 vụ lúa thì nay đã cấy được 2 vụ. Ở các xã Tân Hưng, Bắc Phú, Trung Dã, người dân còn liên kết với doanh nghiệp trong trồng và tiêu thụ sản phẩm.

Rời Sóc Sơn, chúng tôi đến với xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Từ rất sớm trên cánh đồng bạt ngàn hoa ly, lan, hồng, đào... rất đông chị em phụ nữ đã có mặt chăm sóc hoa. Bà Đặng Thị Ứng, thôn Tân An, cùng 5 chị em khác đang uốn cành, tạo dáng cho những cây hoa ly cho biết, trước kia bà chỉ biết trồng lúa, trồng ngô, còn bây giờ, tập quán canh tác của nông dân đã thay đổi nhiều. Đồng ruộng trồng ngô, khoai ngày nào đã thay vào cây hoa, cây rau sạch và lúa hàng hóa, cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Tham gia vào các HTX, ngoài được trả công lao động, hộ nào góp ruộng hoặc vốn còn được chia lợi nhuận cuối năm. "Vụ hoa Tết năm ngoái, có nhà được chia cả chục triệu đồng, gấp mấy lần làm lúa đấy" - bà Ứng cho biết. Ở khu trồng hoa lan hồ điệp, kỹ sư trẻ Ngô Thị Quyên đang điều chỉnh nhiệt độ để hoa nở đúng dịp Tết. Năm nay chị Quyên 23 tuổi, vừa tốt nghiệp khoa Nông học Trường Đại học Nông nghiệp I - tâm sự: "Xin về làm tại HTX hoa, cây cảnh này, mức lương 3 triệu đồng chưa phải cao nhưng tôi được thỏa ước mơ từ tấm bé, giúp nông dân quê mình làm giàu trên chính đồng ruộng".

Xóm làng thay “áo” mới

Không chỉ có những đột phá mới trong sản xuất, nhiều làng quê cũng đã thực sự thay da đổi thịt, bức tranh nông thôn tươi sáng hơn nhiều. Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức phấn khởi, chỉ trong một năm mà trên địa bàn xã đã có cả trăm ngôi nhà được xây mới khang trang, hiện đại. Không chỉ xây sửa trong gia đình mình, người dân còn góp được trên 71 tỷ đồng (bằng 148% kế hoạch) cùng hàng nghìn mét đất để mở rộng các tuyến đường giao thông. Những thể hiện bên ngoài đó chính nhờ tiềm lực kinh tế của người dân ngày càng lớn mạnh. Còn tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, ai có dịp đến đây bây giờ hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi chỉ trong vòng 3 năm trước thôi các tuyến đường dẫn về các thôn vẫn còn là đường đất, ngày mưa trơn trượt, ngày nắng bụi mù, nay các ngả về làng đều đã được đổ bê tông vững chãi. Đường trục thôn Bảo Lộc giờ còn được mở rộng thành đường hai chiều, trồng hoa ở giữa, rộng thênh thang chẳng khác gì phố xá. Không chỉ hệ thống đường giao thông, trong mỗi nhà dân đều thấy sự đổi thay, ngăn nắp, gọn gàng hơn. Cuối năm 2011, nhà máy nước sạch của thôn Bảo Lộc cũng đã đi vào hoạt động, đưa nước sạch đến với người dân.

Theo ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV đã đề ra Chương trình 02 dành riêng cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống người dân. Thực hiện chương trình này, đã có hàng chục quy hoạch, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp được xây dựng và phê duyệt với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả, sản xuất nông nghiệp năm 2011 toàn TP đã tăng trưởng với tốc độ 4,38%, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 188,4 triệu đồng/ha, góp phần nâng cao đời sống người dân. Ngoài ra, TP cũng đã đẩy mạnh các chương trình dạy nghề, đưa KHKT vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng 40.000 công trình xử lý nước quy mô hộ gia đình; 6 công trình cấp nước sạch liên xã tại các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Mê Linh… đáp ứng nhu cầu nước sạch cho khu vực nông thôn. Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM đã được triển khai sâu rộng, thu được nhiều kết quả, ngoài 19 xã làm điểm của TƯ, TP và các huyện, đến hết năm 2011, 325 xã khác cũng đã lập xong đề án xây dựng NTM.

Bức tranh nông thôn Hà Nội đang có những thay đổi rõ rệt trên tất cả các mặt, đời sống văn hóa, kinh tế, kết cấu hạ tầng, việc làm gắn với các chương trình an sinh xã hội được giải quyết tốt. Khu vực nông thôn hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tăng cả về chất và lượng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường như vùng hoa cây cảnh, vùng lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn. Quan trọng hơn là niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng tăng. Nông dân đều cảm nhận được sự quan tâm hỗ trợ của TP đầu tư ngày càng hiệu quả cho khu vực nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc nông thôn Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.