Xã hội

Khơi nguồn sáng kiến, sáng tạo: Đòn bẩy phát triển Thủ đô

Thu Hằng 31/12/2024 - 06:34

Thời gian qua, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” được thành phố Hà Nội tập trung đẩy mạnh, triển khai tới từng đơn vị, doanh nghiệp, tổ đội sản xuất.

Cách làm này đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào sự phát triển, tạo bứt phá mới đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

khong-gian-sang-tao-van-hoa-am-thuc-tuyen-tau-dien-so-6-tai-khu-am-thuc-dao-ngoc-ngu-xa-quan-ba-dinh-thu-hut-du-khach-tham-quan-trai-nghiem..jpg
“Không gian sáng tạo - Văn hóa - Ẩm thực tuyến tàu điện số 6” tại khu ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã (quận Ba Đình) thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Lan tỏa rộng phong trào thi đua

Phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và được đông đảo người lao động tham gia hưởng ứng. Đến nay, phong trào đã lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện đời sống người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Cụ thể, năm 2024, hệ thống y tế của Hà Nội đã có nhiều đổi mới và sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Đặc biệt, các sáng kiến hướng tới cải thiện điều kiện điều trị và tạo sự thoải mái cho bệnh nhân đang ngày càng được chú trọng. Sáng kiến cải tiến áo cho bệnh nhân lọc máu chu kỳ của điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thu Thủy (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đã trở thành một trong những ví dụ tiêu biểu cho sự sáng tạo và tâm huyết của đội ngũ y tế Thủ đô.

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng có nhiều sáng kiến giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển năng lực học sinh. Một trong những sáng kiến nổi bật là “Thiết kế, chế tạo và sử dụng bộ thí nghiệm khảo sát hợp lực đồng quy” của nhà giáo Nghiêm Hồng Trung, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phùng Khắc Khoan, huyện Thạch Thất.

Thầy Nghiêm Hồng Trung cho biết, với bộ thí nghiệm cũ đang được sử dụng ở các trường, đa phần học sinh gặp khó khăn và nhầm lẫn khi học về hợp lực đồng quy. Trước thực tế đó, thầy Trung đã nghiên cứu chế tạo một bộ thí nghiệm mới, không chỉ giải quyết được những hạn chế mà kết quả thực hiện còn cho độ chính xác cao, phát triển được năng lực sáng tạo của học sinh. Sáng kiến này nếu được áp dụng trên toàn quốc, sẽ tiết kiệm cho nhà nước 50-100 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực văn hóa, một trong những sáng kiến tiêu biểu giúp nâng tầm bản sắc văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế cho Thủ đô là dự án “Không gian sáng tạo - Văn hóa - Ẩm thực tuyến tàu điện số 6” tại khu ẩm thực Đảo Ngọc Ngũ Xã, do Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) Nguyễn Dân Huy khởi xướng. Toàn bộ không gian sự kiện được thiết lập như một phim trường có bối cảnh là một khu phố với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa, ẩm thực… gợi nhớ ký ức về một Hà Nội thời bao cấp.

Ông Nguyễn Dân Huy chia sẻ: “Hà Nội có 5 tuyến tàu điện đã dừng hoạt động. Với mong muốn kết nối những giá trị của lịch sử, chúng tôi xây dựng tuyến tàu điện số 6 với hơn 10 toa xe điện. Đây là những “bảo tàng mini” về ẩm thực và là những “bảo tàng mở”, “bảo tàng sống”, được chính những người dân địa phương, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, cộng đồng những người yêu thích ẩm thực và du khách cùng nhau góp công, góp sức để xây dựng và phát triển”.

Thành công của dự án không chỉ thể hiện qua việc tăng thu ngân sách từ các hộ kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại đây lên hơn 150% so với trước, mà còn góp phần quảng bá ẩm thực, văn hóa Hà Nội tới người dân, du khách trong và ngoài nước.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng

Năm 2024, lần đầu tiên, Hà Nội xét và trao tặng Bằng Sáng kiến Thủ đô cho 44 sáng kiến tiêu biểu của 66 tác giả, đồng tác giả có tác động tốt đến phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Cũng trong năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của 1.629 sáng kiến trên toàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Dân Huy, việc tham gia phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” không chỉ góp phần giúp các đơn vị, doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập, mà quan trọng hơn là tạo ra môi trường để phát triển, giúp cơ sở và người dân được hưởng thụ, hưởng lợi đầu tiên.

Rõ ràng, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm của thành phố Hà Nội.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến thành phố Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hằng năm, thành phố sẽ triển khai việc đăng ký sáng kiến đối với các cá nhân trong các cơ quan, đơn vị; thực hiện có hiệu quả việc xét, công nhận sáng kiến tại cơ sở; đánh giá hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến. Mỗi năm, mỗi cơ quan, đơn vị phấn đấu có ít nhất khoảng 2-3 sáng kiến, đề tài đề nghị Hội đồng Sáng kiến thành phố xét, công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng. Đây là một trong những tiêu chí để xem xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố và đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước.

Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường kết nối và lan tỏa sâu rộng các hoạt động sáng kiến của cơ quan, đơn vị với các phong trào sáng kiến, sáng tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung ương và Hà Nội, như: Hội thi sáng tạo khoa học cấp thành phố và toàn quốc; Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (Vifotec); phong trào “Đoàn kết sáng tạo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; phong trào “Lao động sáng tạo” của Liên đoàn Lao động thành phố; “Festival sáng tạo trẻ” của Thành đoàn Hà Nội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn sáng kiến, sáng tạo: Đòn bẩy phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.