Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi gợi tình yêu non sông đất nước

Gia Phú| 04/04/2016 07:17

(HNM) - Trong khuôn khổ của Hội sách mùa xuân 2016, NXB Kim Đồng đã tổ chức lễ ra mắt và gặp gỡ nhóm tác giả bộ sách


Bộ "tranh tứ bình" về địa lý Việt Nam

Khởi động từ hơn một năm trước với 4 đề tài đã được khoanh vùng gồm rừng, biển, núi, sông, nhóm tác giả Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng và Nguyễn Quốc Tín đã bắt đầu một hành trình với những chuyến điền dã tới nhiều vùng miền trên cả nước. Và từ đây, với kiến thức được tích lũy cùng khát khao trang bị cho học sinh những kiến thức địa lý bổ ích, các tác phẩm gồm "Mênh mông biển Việt", "Kỳ vĩ núi đèo", "Muôn vẻ rừng xanh" và "Dạt dào sông nước" đã ra đời. Bộ sách được coi là bộ "tranh tứ bình" về địa lý Việt Nam.

Nếu như "Muôn vẻ rừng xanh" cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về rừng Việt Nam, các hệ sinh thái rừng đặc trưng, tác dụng và những sản vật của rừng cũng như việc bảo tồn, phát triển rừng thì "Dạt dào sông nước" lại đưa độc giả tới xứ sở của những dòng sông trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những con sông được "khắc họa" như những mạch máu, dẫn nước tưới tắm ruộng đồng, là mạng lưới giao thông thuận tiện. Và gắn với mỗi con sông là những câu chuyện kể về những chiến công, những huyền tích gắn liền với cuộc sống người Việt. Trong khi đó, "Kỳ vĩ núi đèo" là lời giải mã những bí ẩn của núi đèo từ cái thuở ban sơ đến những chiến công của cha ông đã từng ghi dấu…

Khác với 3 tập sách về núi, rừng, sông, đề tài về biển được khai thác chi tiết và chiếm dung lượng nhiều gấp đôi (2 tập sách) trong bộ sách này. Theo tác giả Nguyễn Huy Thắng thì đây là vấn đề "nóng" và điều mà nhóm biên soạn mong muốn đó là trang bị cho các chủ nhân tương lai của đất nước không chỉ là kiến thức về biển đảo mà còn là khơi gợi ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bồi đắp tình yêu khoa học, tình yêu đất nước

Lịch sử và địa lý được coi là những môn khoa học có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc giáo dục truyền thống. Sách viết về địa lý của nước ta trước nay cũng không ít. Bộ "Lịch triều hiến chương loại chí" mà học giả Phan Huy Chú đã dày công biên soạn từ những năm 1809 - 1819 có một phần nghiên cứu rất sâu về Dư địa chí đề cập tới lịch sử và địa lý Việt Nam. Sau này những cuốn sách về địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế Việt Nam cũng đã được xuất bản khá nhiều, tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Trần Cầu, nguyên Tổng Thư ký Hội Địa lý Việt Nam, đây phần lớn là những cuốn sách mang tính chất kinh viện, dùng để nghiên cứu là chính. Ngay như cuốn sách địa lý cũng mang tên "Thiên nhiên đất nước ta" của tác giả Nguyễn Bá Thảo - một tác phẩm nằm lòng trong ký ức của nhiều em nhỏ một thời cũng được giới chuyên môn đánh giá là vẫn mang tính chất văn chương nhiều hơn.

Dòng sách khoa học lịch sử, địa lý viết cho học sinh lâu nay vẫn là khoảng trống còn bỏ ngỏ. Cái khó của việc thực hiện dòng sách này là lực lượng người viết thiếu, chưa nói tới chất lượng. Đây cũng là điều mà NXB Kim Đồng luôn trăn trở. Và tiếp nối những thành công từ các bộ sách sử viết cho thiếu nhi, bộ sách khoa học về địa lý "Thiên nhiên đất nước ta" với cách viết cẩn trọng, gần gũi với những nội dung được chuyển tải nhẹ nhàng, mềm mại đã phần nào chinh phục được các bạn đọc nhỏ tuổi. Như nhận định của PGS.TS Nguyễn Trần Cầu thì "Môn địa lý rất hay, rất gần gũi nhưng để truyền bá dễ dàng đến với các em thì không dễ. Và cuốn sách này đã làm được điều đó". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi gợi tình yêu non sông đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.