(HNM) - Chuyến công du Trung Quốc 4 ngày của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tạo nên một dấu ấn mới...
Tổng thống Nicolas Maduro (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác Venezuela - Trung Quốc. |
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Caracas và Washington vẫn căng thẳng sau những tranh cãi về chương trình nghe lén, chuyến công du Bắc Kinh lần này cho thấy, Venezuela đang hiện thực hóa quyết tâm vươn tầm ảnh hưởng tới khu vực Châu Á địa chiến lược chứ không chỉ dừng lại ở địa bàn quen thuộc Mỹ La tinh. Là đối tác hợp tác kinh tế truyền thống nhiều năm qua, đặc biệt kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên cầm quyền năm 1999, đến nay Venezuela và Trung Quốc đã ký 387 văn kiện hợp tác. Trong đó có các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD đầu tư vào các lĩnh vực như dầu mỏ, năng lượng, xây dựng và các ngành công nghiệp công nghệ cao của quốc gia Nam Mỹ. Không những thế, Venezuela còn là nước nhận được đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Mỹ La tinh và Caribe. Với kim ngạch thương mại song phương năm 2012 lên tới 20 tỷ USD, nền kinh tế lớn số hai thế giới hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Venezuela và mỗi ngày quốc gia khát năng lượng ở Châu Á nhập của quốc gia Nam Mỹ hơn 620.000 thùng dầu thô.
Với những lợi ích chung của hợp tác song phương, tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Venezuela, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chuyến công du lần này của Tổng thống N.Maduro. Một loạt văn kiện, thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết 48 giờ qua trong khuôn khổ chuyến thăm cũng hết sức thực chất. Theo đó, Trung Quốc sẽ đầu tư 14 tỷ USD để khai thác 200.000 thùng/ngày tại dải dầu khí Orinoco, giúp Venezuela trồng 60.000ha ngô, lúa và đậu tương, xuất khẩu 2.000 xe khách và liên doanh sản xuất phương tiện giao thông công cộng này tại Venezuela… Không dừng lại ở đó, Venezuela còn đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc về khoản tín dụng ưu đãi trị giá 5 tỷ USD để quốc gia Mỹ La tinh đầu tư vào lĩnh vực y tế, khoa học và công nghệ, đường sá, vận tải, nhà ở…
Dù cách xa nhau gần nửa vòng trái đất nhưng có nhiều lý do khiến Venezuela và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau hơn. Với tốc độ phát triển quá nóng của nền kinh tế, quốc gia hơn 1,3 tỷ dân phải tìm cách mở rộng nguồn cung thị trường dầu mỏ tới hầu hết các khu vực trên thế giới như Nam Á, Trung Á, hay Trung Đông - Châu Phi nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Là một trong những thành viên sáng lập của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Venezuela là một nhân tố quan trọng trong thị trường dầu mỏ toàn cầu mà Trung Quốc không thể bỏ qua. Theo các quan chức của Công ty Dầu mỏ quốc doanh Venezuela Petroleos de Venezuela, S.A. (PDVSA), nước này hiện có trữ lượng 77,5 tỷ thùng dầu, lớn nhất Tây bán cầu. PDVSA cũng có năng lực sản xuất tới 4 triệu thùng dầu/ngày, khả năng sản xuất cao nhất ở khu vực. Năm 2011, OPEC thông báo tổ chức này đang sở hữu 81,33% trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh của thế giới và Venezuela chiếm 24,8%, cao hơn cả mức 22,2% của Saudi Arabia. Vì thế, đẩy mạnh hợp tác với quốc gia Mỹ La tinh này phần nào giúp Trung Quốc giải tỏa được cơn khát năng lượng.
Cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc có lợi cho sự phát triển của Venezuela, Tổng thống N.Maduro trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, với sự hợp tác của Trung Quốc, Venezuela hy vọng sẽ đạt được sự phát triển trên nhiều lĩnh vực chứ không chỉ lệ thuộc vào ngành dầu khí như hiện nay. Trên cơ sở thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm hoạch định hợp tác song phương giữa hai nước trong 10 năm tới, Caracas đang trông đợi một làn sóng đầu tư mới từ Trung Quốc sẽ "đổ bộ" vào quốc gia Nam Mỹ trong tương lai không xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.