(HNMO) - Từ khắp mọi miền đất nước tụ họp về ngày hội lớn của phụ nữ Việt Nam - Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, các đại biểu đã chia sẻ về những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp. Qua đó giúp khơi dậy ý chí, tinh thần yêu nước; vun đắp giá trị gia đình Việt Nam tiến bộ, ấm no, văn minh, hạnh phúc; khát khao mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội và cộng đồng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) Nguyễn Thị Thùy Linh:
Học và làm theo Bác từ những việc nhỏ có ý nghĩa lớn
Để mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ ý thức sâu sắc được nội dung, ý nghĩa của việc học và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất, thiết thực nhất, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Trần Văn Thời luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chị em bằng nhiều hình thức. Đến nay, việc học và làm theo Bác đã trở thành nền nếp, là việc làm thường xuyên, tự giác đối với chị em trong các cơ quan, đơn vị và trong các chi hội ấp, khóm.
Cụ thể, chúng tôi tích cực triển khai các phong trào thi đua, các hoạt động lồng ghép với nhiệm vụ bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Tiêu biểu như mô hình “Tiết kiệm từ rác thải, phế liệu xây dựng Quỹ học bổng 20-10” và “Tái sử dụng các loại rác vô cơ, biến rác thành tiền”, “Tiết kiệm để mua bảo hiểm y tế”... đã được hình thành tại các xã, thị trấn với trên 39.000 thành viên tham gia, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ. Các mô hình này hằng năm đã tiết kiệm, thu được gần 600 triệu đồng tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Đặc biệt, mô hình “Phụ nữ hùn tiền giúp nhau xây nhà tiêu hợp vệ sinh” với 118 tổ có 4.200 hội viên tham gia. Mỗi tháng, khi đến kỳ sinh hoạt Hội, các thành viên trong tổ sẽ hùn tiền lại để làm một nhà tiêu hợp vệ sinh trị giá từ 2,5 đến 4 triệu đồng. Đến nay, đã xây được 2.225 nhà tiêu, đạt 80,16% so với tổng số hội viên trong toàn huyện. Hiệu quả của mô hình không chỉ giúp phụ nữ nâng cao chất lượng đời sống, mà còn góp phần vào thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của huyện.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng):
Phát huy vai trò của phụ nữ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình
Cách đây gần 8 năm (năm 2014), Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. 4 năm sau, vào năm 2018, tôi vinh dự và tự hào là nữ sĩ quan đầu tiên tham gia lực lượng này tại Nam Sudan.
Mặc dù biết phải đối mặt với nhiều rủi ro, như nguy cơ mất an ninh, an toàn, khả năng lây nhiễm dịch bệnh nhưng những khó khăn, vất vả không làm nản lòng mong muốn phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu và lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quân đội nhân dân Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Hình ảnh và hoạt động của các nữ chiến sĩ "Mũ nồi xanh" với sự gần gũi, thân thiện, trách nhiệm, sẻ chia với bạn bè, với người dân bản xứ, như một thông điệp, cách tiếp cận mới trong tham gia hoạt động lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, góp phần lan tỏa phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng bạn bè quốc tế. Chúng tôi tự hào đã góp phần sức nhỏ bé của mình mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân bản địa.
Thông qua công việc, chúng tôi muốn khẳng định rằng, phụ nữ Việt Nam luôn kế thừa, phát huy truyền thống từ các thế hệ đi trước để nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Cô giáo Hà Ánh Phượng - Trường Trung học phổ thông Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ):
Giáo dục là không giới hạn
Ngôi trường tôi đang công tác có hơn 85% học sinh là con em đồng bào các dân tộc ít người. Những học sinh ở Hương Cần còn nhiều thiệt thòi, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có nhiều cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở thành phố.
Điều khiến tôi trăn trở nhất là làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng những nền giáo dục tốt nhất”, “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố” và “trên hành trình vươn tới tri thức, không có một đứa trẻ nào bị bỏ lại sau”.
Luôn tâm niệm “Giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ”, tôi đã cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học, những giải pháp để thu hẹp khoảng cách mà học sinh mình đang có so với đà phát triển của thế giới. Bản thân tôi cũng từng là học sinh miền núi nên rất thấu hiểu những khó khăn bủa vây học sinh quê mình. Là giáo viên ngoại ngữ, tôi luôn mong muốn làm sao để có môi trường ngoại ngữ cho học sinh dù điều này vẫn còn là rào cản với ngay cả học sinh ở thành phố.
Tôi vẫn kiên trì để rồi nhận ra rằng, trên hành trình này, tôi đang đi “đúng đường” và thật sự không cô đơn. Tôi đã thay đổi và dũng cảm nghĩ rằng mình sẽ không cô đơn trên hành trình của mình và tôi nhận lại sự thay đổi từ chính học sinh của mình, không chỉ là kiến thức các em học trên lớp, mà còn là tâm lý tích cực, sự tự tin, tư duy phê phán hay những năng lực và phẩm chất cần có của một công dân toàn cầu.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Giang Ngụy Thị Tuyến:
Tích cực bảo vệ phụ nữ và trẻ em
Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều tác động cả tích cực và tiêu cực, gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức: Gia đình truyền thống ngày càng thu hẹp, các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân và gia đình xuất hiện, tình trạng ly hôn, lợi dụng quan hệ hôn nhân vì mục đích khác, ngại sinh con, tình trạng buông lỏng giáo dục gia đình, lối sống thực dụng, đề cao vật chất chi phối thái độ, ứng xử của các thành viên trong gia đình và xã hội… Nhiều vụ việc đau lòng, gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm phụ nữ, trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây, trong đó có những vụ việc xảy ra trong môi trường gia đình, càng cho thấy vấn đề gia đình cần được sự quan tâm của cộng đồng hơn lúc nào hết.
Tại Bắc Giang, qua theo dõi của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, trong 5 năm 2015-2020, có 146 vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Số liệu của cơ quan chức năng cho thấy, toàn tỉnh đã thụ lý 107 vụ/127 bị cáo, đã đưa ra xét xử 106 vụ/126 bị cáo phạm tội liên quan đến bạo lực, xâm hại, mua bán phụ nữ, trẻ em. Tổ chức Hội đã thực hiện chức năng đại diện, kiến nghị bảo vệ quyền và lợi ích của 146/146 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân trong các vụ việc.
Bên cạnh đó, Hội đã tập trung tuyên truyền tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên về xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua các hoạt động truyền thông tại cơ sở; đặc biệt phối hợp truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ em ở 100% trường học trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức các hoạt động hướng về gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc với hình thức đa dạng, phong phú... Hằng năm, gần 90% bà mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con theo khoa học. Hội đã rà soát, lựa chọn, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hộ gia đình đạt “5 không, 3 sạch” phù hợp điều kiện thực tế địa phương, qua đó đạt được những kết quả cụ thể, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016-2021.
Giám đốc Hợp tác xã Thiên An, tỉnh Bắc Kạn Lý Thị Quyên (dân tộc Dao):
Phát huy văn hóa dân tộc, nâng tầm sản phẩm OCOP
Trước nguy cơ văn hóa truyền thống đang dần mai một, tôi nhận thấy cần phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy văn hóa đặc trưng của dân tộc thông qua các sản phẩm tiêu dùng.
Với sự đam mê và mục tiêu phát huy thế mạnh của dân tộc mình là dược liệu và thổ cẩm, chúng tôi thành lập Hợp tác xã Thiên An tại thôn Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn vào năm 2015. Hợp tác xã tập trung sản xuất cây dược liệu thành các sản phẩm hàng hóa như thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh; thuốc xoa bóp, cao giúp cải thiện sức khỏe người tiêu dùng… Hợp tác xã đã quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thêm một số máy móc, trang thiết bị để chế biến, đóng gói sản phẩm, vì vậy, cả hình thức và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao; được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu rõ ràng, đem lại sự tin tưởng cao cho khách hàng. Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể thành viên hợp tác xã, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có 6 sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Những năm qua, việc “phát huy văn hóa dân tộc vào từng sản phẩm góp phần nâng tầm thương hiệu OCOP” đã từng bước xây dựng tập thể hợp tác xã ngày một phát triển hơn. Hiện hợp tác xã có 20 thành viên, vốn điều lệ tăng lên 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 lao động đều là nữ và là người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn xã, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, hợp tác xã luôn giữ được uy tín, chất lượng với khách hàng trên mọi miền đất nước, đem lại cơ hội việc làm, phát triển kinh tế gia đình cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.