(HNM) - Hôm nay, ngày 25-5, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 06-CTr/TU). Hội nghị là dịp nhìn lại những thành quả, bài học kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện một trong 10 Chương trình công tác toàn khóa của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục huy động những sáng kiến, giải pháp căn cơ, bài bản hơn nữa để quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã đề ra.
Bền bỉ mục tiêu phát triển văn hóa, con người
Kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, sáng tạo, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn xác định, phát triển bền vững Thủ đô đòi hỏi phải thống nhất nhận thức là phát huy hiệu quả những nguồn lực và lợi thế. Với Hà Nội, nguồn lực quan trọng bậc nhất, cũng là lợi thế hàng đầu chính là tài nguyên văn hóa và nguồn lực con người.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU, xuyên suốt 8 kỳ đại hội sau đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo để việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội không tách rời quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, song vẫn mang những nét đặc trưng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Thủ đô. “Nhận thức về vị trí văn hóa trong xã hội được phát triển qua từng giai đoạn, đã minh chứng văn hóa, con người Hà Nội thực sự giữ vai trò nguồn lực nội sinh của sự phát triển, góp phần xây dựng văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là một nguồn lực cho phát triển”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhận định.
Nhìn lại những kết quả, bài học kinh nghiệm trong nửa đầu nhiệm kỳ triển khai thực hiện Chương trình 06-CTr/TU để xác định giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra là việc làm cần thiết, nhất là khi vẫn còn không ít nội dung tại Chương trình bộc lộ khó khăn, thách thức, như: Xây dựng thiết chế văn hóa thể thao còn thiếu đồng bộ, công suất hoạt động kém hiệu quả; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu; vẫn còn 3 chỉ tiêu, 9 kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề chưa hoàn thành; vẫn thiếu các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, tạo được dấu ấn…
Khơi dậy khát vọng Thăng Long - hòa nhịp phát triển cùng đất nước
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Chương trình 06-CTr/TU giai đoạn 2021-2025, Thành ủy Hà Nội đã định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, căn bản cần triển khai trong thời gian tới. Đó là: Tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Chương trình 06-CTr/TU và Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND thành phố về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; triển khai hiệu quả các kế hoạch xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa nghệ thuật, bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó là đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023 và các năm tiếp theo; tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2030; rà soát, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt; tiếp tục tuyên truyền bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống lành mạnh, gương mẫu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các đề tài, chuyên đề, đề án, kế hoạch, nghị quyết… để thực hiện có kết quả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra…
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, thành phố cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, từ đó huy động sự chung tay, góp sức vì sự phát triển của sự nghiệp văn hóa, thể thao Thủ đô. “Ngành Văn hóa Thủ đô cần tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách tăng cường sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo của cộng đồng; kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thành phố cần tích cực thực hiện sáng tạo chiến lược phát triển văn hóa Thủ đô, lấy văn hóa con người không chỉ là mục tiêu, động lực, nền tảng mà còn là nguồn lực chủ yếu, là điểm xuất phát cho việc xây dựng tất cả các chiến lược, kế hoạch phát triển mọi lĩnh vực của Thủ đô Hà Nội; đổi mới cơ chế và đầu tư toàn diện cho văn hóa về lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý, công tác cán bộ và ngân sách…; qua đó, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong xây dựng môi trường văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh; khơi dậy khát vọng Thăng Long - hòa nhịp phát triển cùng đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.