LTS: Là chương trình xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố Hà Nội, bao trùm nhiều lĩnh vực văn hóa - xã hội, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 vừa đi qua nửa chặng đường với nhiều thành quả, bài học kinh nghiệm quý. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài “Khơi dậy khát vọng Thăng Long - Hà Nội”, phản ánh quá trình tập trung nguồn lực văn hóa, con người vì Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong hơn 2 năm qua; từ đó, tiếp tục huy động sáng kiến, giải pháp đưa các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chương trình này về đích đúng hạn.
Bài 1: Tối ưu nguồn lực văn hóa, con người
(HNM) - Là kinh đô ngàn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, Hà Nội luôn bám sát mục tiêu xây dựng Thủ đô xứng đáng với vai trò, vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và hội nhập quốc tế. Trong đó, với nội dung phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành ủy Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhằm tối ưu hóa nguồn lực văn hóa, con người cho mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Bám sát mục tiêu, kiên trì hành động
Nằm trong 10 chương trình công tác toàn khóa của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 06-CTr/TU) là bước cụ thể hóa quan trọng tư duy đổi mới của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, xác định văn hóa và con người không chỉ là mục tiêu, động lực, mà còn là nguồn lực mới, trực tiếp quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.
Để thực hiện Chương trình 06-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội đã đề ra 7 nhóm chỉ tiêu, 3 yêu cầu, 14 nhiệm vụ và 6 giải pháp trọng tâm, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo đột phá trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU, ngay sau khi Chương trình được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến nhằm quán triệt, truyền đạt đầy đủ nội dung trọng tâm, cơ bản của Chương trình.
“Hội nghị đã kết nối tới 473 điểm cầu từ thành phố tới các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cùng các Đảng ủy trực thuộc, thu hút 60.319 đại biểu dự họp cùng hàng triệu nhân dân theo dõi qua sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Từ hội nghị này, 100% tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tổ chức quán triệt, học tập, với tỷ lệ cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia đạt trên 90%, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc cụ thể hóa Chương trình ở các cấp”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho hay.
Tạo đột phá trong phát triển văn hóa, con người
Hỗ trợ hiệu quả cho công tác quán triệt, phổ biến chương trình là các hoạt động tuyên truyền, vận động được triển khai thường xuyên, liên tục từ thành phố tới cơ sở, với đa dạng hình thức truyền tải, vừa mới mẻ, vừa sinh động, hấp dẫn.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, các hoạt động tuyên truyền đã chú trọng lồng ghép qua hội nghị, hội thi, hội thảo, tọa đàm, cũng như khai thác thế mạnh của các cơ quan truyền thông, các trang mạng xã hội…; vừa tăng cường ý thức, trách nhiệm, vừa huy động sáng kiến, giải pháp cho việc triển khai, thực hiện Chương trình.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Chương trình từ thành phố tới cơ sở đã tập trung triển khai các chỉ tiêu, đề án, nhiệm vụ… ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm đầu nhiệm kỳ, kết hợp duy trì kiểm tra, giám sát để kịp thời nắm bắt, giải đáp, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, bất cập nảy sinh. Đặc biệt, việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa được quan tâm đẩy mạnh, bám sát yêu cầu thực tiễn, như: Rà soát quy hoạch hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao, trường học, cơ sở dạy nghề; quy hoạch quảng cáo ngoài trời; rà soát di tích xuống cấp, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể…; xây dựng, ban hành 17 nghị quyết chuyên đề phục vụ phát triển văn hóa, con người, trong đó Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô (Nghị quyết số 09-NQ/TU).
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Nghị quyết số 09-NQ/TU thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn xa của Đảng bộ Hà Nội trong phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nguồn lực văn hóa và con người Thủ đô nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021) và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ.
“Đây cũng là điểm nổi bật, tạo nên sự đột phá, bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người Thủ đô; sự kế thừa và phát huy hiệu quả tinh thần đổi mới, vận dụng sáng tạo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng từ các nhiệm kỳ, với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao để định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho Hà Nội khi gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.