Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi công nâng cấp tuyến BOT QL1 Hà Nội - Bắc Giang

Theo Hà Thanh Oai| 21/02/2014 16:04

Ngày 22/2, Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT sẽ được khởi công xây dựng.



Được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc, khi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ mở ra cơ hội lớn cho Thủ đô Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang thu hút đầu tư, giao thương phát triển kinh tế.

QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc.


Giảm gánh nặng cho ngân sách

Theo Bộ GTVT, thực hiện Nghị quyết 13 NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Quyết định số 355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, ngành GTVT đã thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ GTVT đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách cho hàng chục dự án BOT, BT. Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT cũng nhằm mục tiêu đó. Là một trong những phân đoạn quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn được tách thành dự án độc lập, khi công trình được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, cải thiện điều kiện khai thác, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Đồng thời, dự án cũng góp phần quan trọng trong việc giao thương, phát triển KT-XH bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực nói chung, cũng như của Thủ đô Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nói riêng.

Theo thống kê của Bộ GTVT, tổng số vốn huy động ngoài ngân sách đến năm 2013 khoảng gần 120.000 tỷ đồng, với 47 dự án, triển khai đầu tư 1.387km đường. Đây là con số khổng lồ mà trước đây không ai dám mơ tới. Năm 2013 con số này là 80.000 tỷ đồng cho 26 dự án. Riêng tuyến QL1, ngoài đoạn Hà Nội - Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành, đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ còn lại được chia thành 37 dự án, trong đó có 18 dự án được đầu tư theo hình thức BOT (dài 608km). Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng có 5 dự án đầu tư theo BOT. Tất cả các dự án này đã được khởi công thi công đồng loạt để hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Quan trọng hơn, cùng với những dự án mở rộng các đoạn QL1 khác đang được Bộ GTVT gấp rút triển khai, Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được xây dựng sẽ cụ thể hóa Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI vào thực tế.

“Do hiện nay, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp, chưa thể bố trí vốn ngay để triển khai thực hiện đầu tư dự án, nên phải huy động các nguồn vốn khác để đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hình thức đầu tư tại Văn bản số 2238/TTg-KTN tháng 12/2013. Ngày 12/2/2014, Bộ GTVT có Quyết định số 406/QĐ-BGTVT phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện” - Bộ GTVT cho biết.

Mới đây nhất, ngày 20/2/2014, tại trụ sở Bộ GTVT, hợp đồng BOT Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang đã được ký kết. Nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP tập đoàn Đại Dương, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng VN (Vinaconex), Công ty CP Đầu tư và Thương mại 319 và Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest.

Công trình cao tốc đầu tiên theo hình thức BOT

Theo Liên danh các nhà đầu tư, điểm đầu của dự án là tại Km 113+985 - QL1 cũ (nút giao QL31) thuộc địa phận TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Điểm cuối tại Km 159+10 - lý trình QL1 (Trạm thu phí Phù Đổng cũ), thuộc địa phận TP Hà Nội. Tổng chiều dài đầu tư 45,8km. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 4.213 tỷ đồng. Đơn vị cung cấp tín dụng là Ngân hàng Thương mại CP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, có châm chước một số yếu tố về hình học cho đoạn tăng cường mặt đường cũ như: Chiều dài đoạn chuyển tiếp, đoạn nối của các nhánh nút giao, các yếu tố mặt cắt ngang, trắc dọc... Với việc dự án được khởi công xây dựng, đây sẽ là công trình theo tiêu chuẩn cao tốc đầu tiên được triển khai theo hình thức BOT.

Về quy mô mặt cắt ngang, với đoạn Km 113+985-QL1 cũ (Nút giao QL31) - cầu Như Nguyệt sẽ được mở rộng thành quy mô nền đường 6 làn xe, rộng 33m. Mặt đường 4 làn xe cơ giới, có xét đến tận dụng để nâng cấp 6 làn xe trong tương lai. Đoạn từ cầu Như Nguyệt đến Km 159+100 (Trạm thu phí Phù Đổng cũ) sẽ giữ nguyên theo quy mô đường hiện trạng, nền rộng 34m.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng giao thông, hiện đoạn tuyến Hà Nội - Bắc Giang có lưu lượng xe rất lớn, trong khi đó đoạn từ Hà Nội (cầu Phù Đổng) - Bắc Ninh có quy mô đường cấp I đã được đưa vào khai thác từ năm 2001, mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Đối với đoạn Bắc Ninh - Bắc Giang hiện đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, bề rộng mặt đường hai làn xe cơ giới nên thường xuyên ùn tắc, mất an toàn giao thông. Vì vậy, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp dự án là hết sức cấp thiết.

Bài toán tài chính tại dự án này cũng được đánh giá là khá hấp dẫn. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được đặt trạm thu phí tại Km 152+00 thuộc địa phận Bắc Ninh trong thời gian 18 năm 7 tháng. Dự kiến công trình sẽ hoàn tất công tác thi công vào tháng 6/2016 và thu phí hoàn vốn từ tháng 7/2016. Nhà đầu tư thực hiện công tác quản lý, khai thác sau khi hoàn thành công trình dự án và chuyển giao không bồi hoàn công trình dự án cho Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi hết hạn thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi công nâng cấp tuyến BOT QL1 Hà Nội - Bắc Giang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.