(HNMO)- Ngày 15-2 tại Hải Phòng, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP Hải Phòng khởi công dự án đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ khởi công Dự án đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dự án do Ban QLDA 2 (Bộ GTVT) là đại diện chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là Liên danh Sumitomo Mitsui-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4). Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư 11.849 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay ODA của Nhật Bản là 10.049 tỷ đồng và vốn đối ứng trong nước 1.800 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,63km, bao gồm phần cầu vượt biển dài 5,44km (cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và là một trong những cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á), quy mô mặt cắt ngang cầu 16m, 4 làn xe chạy, 2 dải an toàn. Phần đường dẫn dài 10,19km, tốc độ thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang đường rộng 29,5m. Công trình dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thi công, góp phần quan trọng kết nối các khu vực đang phát triển tại phía Đông TP Hải Phòng với cảng Lạch Huyện, khu công nghiệp Đình Vũ cũng như kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang được đầu tư xây dựng.
Phát lệnh khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT, Ban QLDA, đơn vị tư vấn, các nhà thầu Việt Nam và Nhật Bản và các đơn vị liên quan để dự án được khởi công đúng kế hoạch.Thủ tướng nhấn mạnh: đây là công trình cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cầu vượt biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có công nghệ thi công phức tạp, là hợp phần quan trọng của dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Nếu không có tuyến đường này sẽ không phát huy được tiềm năng, lợi thế của cảng nước sâu. Việc khởi công mới chỉ là bước đầu, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan cần nỗ lực thi công công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, để công trình thực sự là công trình tiêu biểu của tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Đối với Hải Phòng, sau khi các công trình đi vào khai thác đồng bộ, cần phải điều chỉnh quy hoạch, đào tạo nguồn lực, kêu gọi đầu tư để thành phố thực sự là thành phố công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của thành phố Cảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.