(HNM) - Thời gian gần đây, thị trường bất động sản xuất hiện một hình thức giao dịch mới, đó là các hợp đồng ký quỹ. Đây là hình thức chủ đầu tư bán hàng khi dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý. Khách hàng muốn mua có thể đặt cọc tiền tại ngân hàng, thông qua thỏa thuận ký quỹ.
Hình thức mua bán này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua nếu có tranh chấp xảy ra. Bởi khi ký, khách hàng sẽ phải nộp từ 10 đến 15% tổng giá trị bất động sản. Tuy nhiên, có nhiều dự án sau đó không hoàn thiện được thủ tục pháp lý.
Theo quy định tại Điều 68 Luật Nhà ở 2014: “Các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý”. Bên cạnh đó, theo Khoản 3, Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, các chủ đầu tư chỉ được ký kết các hợp đồng góp vốn khi dự án “đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt theo quy định của pháp luật; đã có thông báo đủ điều kiện được huy động...”. Khoản 2, Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định, dự án chỉ được phép mở bán, ký hợp đồng mua bán khi đã hoàn thành thủ tục pháp lý...
Trong khi đó, hợp đồng ký quỹ, bản chất là thu tiền đặt cọc mua nhà, lại không hề có ràng buộc về những yếu tố này. Tối đa, người mua chỉ có thể nhận được tiền đặt cọc.
Do đó, cơ quan quản lý cần có thêm những biện pháp để kiểm soát “khoảng hở” - tình trạng chủ đầu tư lách luật huy động vốn. Về phía khách hàng, cũng cần tỉnh táo để tránh rủi ro, rơi vào tình huống “cầm dao đằng lưỡi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.